Tham luận Thiết kế Bệnh viện dã chiến tại Hội thảo “Hướng dẫn thiết kế xây dựng Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”

Ngày 1/12/2020, ông Trần Văn Nam - Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng - Đại diện Sở Xây dựng Thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong khảo sát hiện trạng và xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến của Thành phố Đà Nẵng tại Hội thảo “Hướng dẫn thiết kế xây dựng bệnh viện Dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm” do Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) phối hợp với Viện Kiến trúc quốc gia (Viar) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) nhằm hoàn thiện các nội dung phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch khẩn cấp.
 
Tham luận Thiết kế Bệnh viện dã chiến tại Hội thảo “Hướng dẫn thiết kế xây dựng Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”
Với kinh nghiệm chủ trì thiết kế và giám sát thi công Bệnn viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, tại Hội thảo, Bài tham luận của ông Trần Văn Nam - Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng được đánh giá rất cao với nhiều thông tin bổ ích và kinh nghiệm thực tế đã triển khai.
Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của tham luận:
1. Đặc điểm tình hình
Trước tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, ngày 01/08/2020, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 5054/UBND-ĐTĐT về việc Liên quan đến Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên sơn. Theo đó, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng - Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng (Trung tâm) được chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao nhiệm vụ thiết kế, kiêm giám sát thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn và yêu cầu trong vòng 07 ngày phải thiết kế, thi công hoàn thành lắp dựng khu điều trị (từ ngày 01/8/2020 đến 07/8/2020).
Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tài liệu hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới và tham khảo các bệnh viện dã chiến đã triển khai tại một số nước trên thế giới cùng với ý kiến góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, Trung tâm đã phối hợp với đơn vị thi công, kiêm nhà tài trợ là Công ty cổ phần Mặt Trời -Tập đoàn Sun Group và các đơn vị liên quan gấp rút vừa triển khai thiết kế vừa thi công, kết hợp với việc lựa chọn các loại vật liệu, trang thiết bị sẵn có tại địa phương bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ UBND thành phố giao trong vòng 01 tuần hoàn thành xong phần xây lắp và chỉ trong vòng 14 ngày hoàn tất các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác để đưa vào bàn giao sử dụng với quy mô bệnh viện có sức chứa khoảng 900 giường bệnh.

 
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các chuyên gia, kiến trúc sư, đại diện các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các chuyên gia, kiến trúc sư, đại diện các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn

2. Về lựa chọn vị trí và công trình để tận dụng xây dựng:
Tại Thành phố Đà Nẵng hiện nay có nhiều thể loại công trình phù hợp tận dụng để xây dựng BVDC như nhà thi đấu, sân vận động, Trung tâm hội chợ triển lãm, các trường học, văn phòng, chung cư, tuy nhiên qua khảo sát, đánh giá chúng tôi chọn Cung thể thao Tiên Sơn để ưu tiên thực hiện trước vì các lý do sau:
- Công trình ở vị trí thuận lợi (khu vực trung tâm thành phố, gần các bệnh viện, xung quanh có các công trình có thể tận dụng làm chỗ ở cho nhân viên y tế như khách sạn, chung cư và đặc biệt là cách xa khu dân cư (khoảng cách gần nhất của công trình đến khu dân cư >300m và được ngăn cách bởi các lớp giao thông và công trình công cộng khác).
- Cung thể thao Tiên Sơn là trung tâm thể thao xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010 có sức chứa 7.200 người, được cải tạo sửa chữa để phục vụ sự kiện hội nghị Apec tại Việt Nam vào năm 2017, đây là công trình có thiết kế và trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật để tận dụng tối ưu nhất.

3. Về Phương án thiết kế, xây dựng:
3.1. Phân khu chức năng và bố trí mặt bằng các tầng:
- Tầng 1:
+ Khu vực sân thi đấu: bố trí 142 buồng bệnh (kích thước buồng bệnh 2.4x3x2.4m. Trong đó có 130 buồng bố trí 02 giường bệnh và 12 buồng bố trí 01 giường bệnh (khu bệnh nặng). Tổng số giường bố trí: 272 giường.
+ Cải tạo không gian tầng 1 của Cung thành các khu chức năng gồm: Bố trí khu điều hành và hành chính; Kho dược, cấp phát thuốc, vật tư y tế và tập kết thức ăn;  Khu xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh; Khu tập kết và xử lý rác thải y tế; Bố trí các khu vệ sinh riêng cho Bác sỹ, nhân viên y tế và khu dành cho bệnh nhân.
- Tầng 2 (sẽ mở rộng khi có nhu cầu): Dự kiến bố trí khoảng 300 giường cho bệnh nhân nhẹ (đã điều trị cho kết quả xét nghiệm âm tính), khu trực, làm việc của Bác sỹ và nhân viên y tế có khu vệ sinh riêng.
- Tầng 3 (sẽ mở rộng khi có nhu cầu): Dự kiến bố trí khoảng 340 giường (khu cách ly theo dõi bệnh nhân từ tầng 2 lên để xuất viện), khu trực, làm việc của Bác sỹ và nhân viên y tế có khu vệ sinh riêng.
- Tầng 4: Bố trí chỗ nghỉ cho Bác sỹ và nhân viên y tế.
3.2. Hệ thống kỹ thuật:  Có dự tham gia phối hợp của các đơn vị liên quan ngay từ khâu khảo sát đến thiết kế gồm điện lực Đà Nẵng, công ty Cổ phần cấp nước, Công ty xử lý nước thải,  Công ty cổ phần Huy Hoàng ECO (xử lý nước thải),  Công an PCCC và các đơn vị nhà mạng thông tin liên lạc…
a) Cấp điện:
- Hệ thống điện nặng: Nguồn lấy nguồn từ  tủ điện hiện có (TBA 1200 kVA), và máy phát điện 800 kVA cấp cho khu vực buồng bệnh và các khu chức năng có công suất dự phòng đảm bảo yêu cầu tính toán.
- Hệ thống điện nhẹ: Tận dụng hạ tầng mạng, điện thoại, hệ thống thông tin liên lạc có sẵn kết hợp bổ sung mới hệ thống đảm bảo phục vụ cho cho công tác chỉ đạo, trực kiểm tra, theo dõi đến từng giường bệnh thông qua phòng điều khiển trung tâm và hệ thống camera giám sát xung quanh.
b) Cấp nước:
- Nguồn từ hệ thống cấp nước sẵn của công trình thông qua bể nước ngầm 150m3, qua tính toán đảm bảo khả năng cũng cấp nước cho bệnh viện có quy mô công suất trên 1000 giường và đã có phương án dự phòng trong trường hợp cần tăng quy mô công suất thêm.
  - Lắp đặt bổ sung mới hệ thống nước RO khu vực bệnh nhân và nhân viên y tế.
c) Thoát nước:
- Nguồn nước thải: từ các phòng chức năng khám, chữa bệnh, xét nghiệm của bệnh viện và nước sinh hoạt của bệnh nhân và nhân viên y tế đây là nguồn có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nhiều nhất.
- Biện pháp xử lý: Sử dụng phương pháp xử lý sinh học hiếu khí kết hợp màng lọc sinh học MBR và màng lọc thẩm thấu ngược RO đảm bảo nước đầu ra đạt cột A, QCVN: 28:2010/BTNMT.
- Nước thải từ các phòng chức năng khám, chữa bệnh, xét nghiệm của bệnh viện và nước sinh hoạt của bệnh nhân và nhân viên y tế được thu gom tập trung về các bồn chứa và được xử lý sơ bộ bằng hóa chất sau đó được bơm đến hệ thống xử lý chung để xử lý trước khi thải ra môi trường.
d) Hệ thống điều hòa không khí và thông gió:
- Tận dụng hệ thống điều hòa và thông gió hiện trạng, lắp đặt bổ sung điều hòa cho một số phòng, khu vực chức năng có yêu cầu về kỹ thuật như phòng xét nghiệm, khu điều trị đặc biệt …
- Đối với khu vực bố trí giường bệnh ngoài việc lấy gió tự nhiên từ cửa sổ mái công trình có bổ sung thêm hệ thống quạt tạo áp tại và bố trí quạt cây tại mỗi giường bệnh.
- Bố trí 03 quạt hút (mỗi quạt có công suất 2.500m3/h) để hút không khí khu vực bố trí giường bệnh thông qua máy lọc không khí để xử lý trước khi thải ra môi trường.
e) Hệ thống PCCC:  Tận dụng hệ thống PCCC hiện trạng, lắp đặt bổ sung thêm các biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu và  bình chữa cháy xách tại tại các buồng bệnh.
f) Các hệ thống khác (khí y tế, hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm,  thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải…. ) được xử lý đồng bộ theo hướng dẫn của ngành y tế.

4. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thiết kế, thi công Bệnh viện dã chiến
a) Thuận lợi :  
- Được sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời và rất quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các sở ngành trong công tác triển khai thực hiện (sự vào cuộc của toàn xã hội).
- Tiếp cận kịp thời tài liệu hướng dẫn của Bộ Xây dựng, sự tham gia góp ý kiến của các chuyên gia trên lĩnh vực y tế và xây dựng, cũng như  tiếp thu được kinh nghiệm thực hiện từ các nước trên thế giới.
- Đơn vị cũng đã có kinh nghiệm từ đợt khảo sát thiết kế BVDC trong thời điểm dịch covid bùng phát từ tháng 1/2020 (khảo sát thiết kế tại khuôn viên bệnh viện Phổi ĐN).
- Do dự án được các đơn vị tài trợ kinh phí và thi công nên rất thuận lợi và chủ động trong công tác xử lý thiết kế tại hiện trường và đẩy nhanh được các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định .
- Chất lượng cũng như cơ sở vật chất công trình tận dụng để xây dựng còn rất tốt, hạn chế được việc cải tạo, sửa chữa nhiều.
b) Khó khăn:
- Lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nên việc tiếp cận các tư liệu cũng như kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế,  công trình vừa phải thiết kế vừa thi công trong khi yêu cầu về thời gian hoàn thành rất gấp.
- Công trình triển khai trong thời điểm dịch bùng phát, thành phố đang thực hiện cách ly xã hội nên việc huy động nhân lực thực hiện cũng như nguồn cung cấp vật liệu, trang thiết bị cho dự án gặp rất nhiều khó khăn.
- Công trình được thực hiện từ việc tận dụng và cải tạo lại công năng của một loại hình có tính chất hoàn toàn khác (từ thể thao sang y tế) trong khi yêu cầu về yếu tố kỹ thuật và chuyên môn của loại hình BVDC phục vụ phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm là rất cao, đòi hỏi người làm thiết kế phải đưa ra các giải pháp tối ưu hóa để hạn chế thấp nhất việc tác động nhiều đến công trình hiện hữu nhưng vừa phải đảm bảo yêu cầu sử dụng.
- Chưa có hướng dẫn trong công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, đặc biệt là việc kiểm tra, vận hành, đánh giá hệ thống kỹ thuật như hệ thống xử lý không khí, xử lý nước thải, chất thải… khi chưa có mẫu thử hoặc chưa có thiết bị đo đếm hợp chuẩn…

5. Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế triển khai Bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và các kiến nghị
- Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng là khâu rất quan trọng để có phương án thiết kế phù hợp do đó việc khảo sát thực tế hiện trường cần kết hợp với việc đối chiếu với bản vẽ hoàn công công trình để cập nhật các thay đổi từ thực tế so với hồ sơ thiết kế, đây là khâu quan trọng vì thực tế nhiều công trình trong quá trình sử dụng đã được điều chỉnh, thay đổi nhiều về công năng sử dụng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị công trình…gây khó khăn trong công tác thiết kế.
- Việc lựa chọn vật liệu, trang thiết bị cho công trình ngoài đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật cần dựa vào các yếu tố:
+ Sẵn có tại thị trường, có đủ số lượng theo quy mô công trình.
+ Thời gian thi công nhanh.
+ Giá thành rẻ.
+ Có khả năng tái sử dụng.
- Bộ Xây dựng cần sớm ban hành hướng dẫn thiết kế, các hướng dẫn về công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng và vận hành công trình. Theo đó cần ban hành mẫu thiết kế và chuẩn hóa thành các modun thuận tiện cho việc thi công, lắp dựng, vận chuyển và bảo quản.
- Cần thiết nên xây dựng đề án thiết kế, xây dựng công trình dã chiến để phục vụ cho các trường hợp đột xuất, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh …triển khai đến từng địa phương theo đó có thể giao Sở Xây dựng cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
- Trích từ nguồn ngân sách hoặc kêu gọi tài trợ để đầu tư xây dựng một số mẫu sẵn theo hình thức lắp ghép và lưu kho khi có nhu cầu sẽ thực hiện, như thế sẽ kịp thời và nhanh chóng hơn (hiện Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng đã có quyết định giải thể, tuy nhiên thành phố sẽ có kế hoạch thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất của BV để lưu kho tái sử dụng khi cần thiết).
- Để chủ động trong công tác chuẩn bị theo đó từng địa phương nên lập danh mục các công trình có thể tận dụng để cải tạo thành Bệnh viện dã chiến từ đó cho tiến hành khảo sát, lên phương án thiết kế trước cho từng thể loại, từng công trình lập thành hồ sơ lưu trữ khi có nhu cầu cần thiết áp dụng.

6. Kết luận
Trong những năm gần đây, tình hình các dịch bệnh, thiên tai trên thế giới nói chung và trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng có những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Thường xuyên xuất hiện các loại bệnh mới, phức tạp và chưa có thuốc điều trị ngay.
Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện dịch bệnh do virut Covid-19 gây ra đã làm thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, đồng thời nó còn ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng con người.
Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng sau khi hoàn thành đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao, công trình vừa đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế thì Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn hiện nay có điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị tốt hơn nhiều bệnh viện đang điều trị covid tại Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung. Mặc dù bệnh viện chưa được đưa vào vận hành sử dụng nhưng đã thể hiện quyết tâm cao của chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng trong việc chủ động, chung tay phòng chống nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời cũng như là bước diễn tập quý giá cho việc ứng phó với các tình huống xử lý cấp bách tương tự nếu có xảy ra trong tương lai.
Dù Việt Nam đã ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh và tạm thời đã kiểm soát tốt sự bùng phát của bệnh dịch. Nhưng với tư tưởng luôn đề phòng, chống dịch như chống giặc thì việc chuẩn bị các cơ sở vật chất đầy đủ để phòng ngừa trường hợp dịch bệnh bùng phát là điều hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay./.

 

Tác giả bài viết: Thanh Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn phòng:

107 Lê Sát, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại:

0236.3621925

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây