Thông tin chi tiết Cuộc thi "Thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng điêu khắc Chăm Cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - Giai đoạn 1"

Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng - Đơn vị Tư vấn Tổ chức Cuộc thi "Thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - Giai đoạn 1" xin giới thiệu một số nội dung liên quan tới Cuộc thi. Cụ thể như sau:
Thông tin chi tiết Cuộc thi "Thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng điêu khắc Chăm Cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - Giai đoạn 1"
 I. THÔNG TIN VỀ CUỘC THI
1. Thông tin chung:
- Cơ quan Quyết định đầu tư: UBND thành phố Đà Nẵng.
- Cơ quan Tổ chức thi tuyển:
Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng.
- Đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi: Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng.
2. Nội dung cuộc thi:
- Tên cuộc thi: "Thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - Giai đoạn 1"
- Địa điểm: Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng.
- Kế hoạch, nhiệm vụ và quy chế thi tuyển được đăng tải tại các website:
https://tuvanthituyen.vn/baotangdieukhacchamphonglehttps://tuvanxaydungdn.vn
3. Hình thức thi tuyển: Thi tuyển rộng rãi.
4. Đối tượng tham gia: Là các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế thi tuyển được duyệt và các quy định khác có liên quan.
5. Thời hạn đăng ký: Đến hết ngày 18/01/2024.
6. Cơ cấu giải thưởng.
Tổng giá trị giải thưởng và hỗ trợ là      : 500.000.000 đồng, trong đó:
  + 01 Giải nhất                                    : 250.000.000 đồng.
  + 01 Giải nhì                                      : 100.000.000 đồng.
  + 01 Giải ba                             :    50.000.000 đồng.
  + Hỗ trợ các phương án vào vòng thi tuyển (Top 05 phương án đạt điểm cao lấy từ trên xuống, trừ 03 phương án vào vòng 3): 100.000.000 đồng (20.000.000 đồng/mỗi phương án)..
7. Thông tin liên hệ.
- Địa chỉ liên hệ: Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng. Số 107 Lê Sát, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
- Email: tttvthituyen@gmail.com
- Điện thoại: 0932.456.002 (gặp Chị Thủy) - 0236.3796.321 (gặp Anh Tài).
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU THI TUYỂN:
1. Mục đích thi tuyển:
Việc tổ chức thi tuyển nhằm lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, bảo tồn toàn bộ di tích Chăm được khảo cổ phát lộ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ, đảm bảo công năng sử dụng phù hợp các yêu cầu kỹ thuật khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan hài hòa với không gian xung quanh, tạo điểm nhấn và mang nét đặc trưng riêng về kiến trúc văn hóa chăm cho khu vực và thành phố, phục vụ nhu cầu người dân và du khách, làm cơ sở triển khai thiết kế đầu tư xây dựng dự án.
2. Yêu cầu của cuộc thi:
- Phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc phải thể hiện đầy đủ nội dung của Nhiệm vụ thi tuyển, tuân thủ Quy chế thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) – Giai đoạn 1.
 - Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Việt Nam hiện hành và các tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
- Tổ chức phân tích, đánh giá phương án thiết kế của các đơn vị tham gia dự thi, trên cơ sở đó đề xuất và lựa chon phương án tốt nhất làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo của dự án;
- Đảm bảo sự công bằng, khách quan, minh bạch, tuân thủ các quy định của nhà nước Việt Nam và luật pháp quốc tế có liên quan.
 - Các tổ chức, cá nhân dự thi tuyển phương án thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
- Các đơn vị tham gia dự thi phải chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình dự thi.
- Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia dự thi yêu cầu phải có phiên dịch riêng.
3. Hình thức thi tuyển:
Thi tuyển rộng rãi không hạn chế tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước tham gia.
4. Hình thức tuyển chọn: Tuyển chọn qua 02 vòng.
- Vòng sơ tuyển: Thông báo rộng rãi về nội dung cuộc thi được đăng tải công khai trên trang web cuộc thi. Đồng thời, trực tiếp mời một số đơn vị tư vấn thiết kế trong nước có uy tín và kinh nghiệm tham gia cuộc thi. Các đơn vị tư vấn thiết kế được mời cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế có mong muốn tham gia cuộc thi cần nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Sau khi kết thúc đăng ký dự thi, quá trình xét tuyển ở vòng sơ tuyển sẽ dựa trên cơ sở hồ sơ năng lực của các đơn vị đăng ký dự thi. Từ đó sẽ lựa chọn ít nhất 03 đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp để mời tham dự vòng thi tuyển. Đơn vị tổ chức cuộc thi sẽ thông báo kết quả đến các tổ chức, cá nhân được tham gia thi tuyển vòng tiếp theo (vòng thi tuyển) để triển khai phương án dự thi.
- Vòng thi tuyển: Các tổ chức, cá nhân đã qua sơ tuyển thực hiện phương án dự thi và nộp phương án dự thi theo thời gian quy định. Hội đồng thi tuyển chấm chọn phương án theo Nhiệm vụ thiết kế, Quy chế thi tuyển và Quy chế của Hội đồng thi tuyển chuyển kết quả của cuộc thi đến đơn vị tổ chức cuộc thi và báo cáo UBND thành phố phê duyệt kết quả và trao giải thưởng.
5. Tài liệu cung cấp cho các đơn vị tham gia thi tuyển:
a) Tài liệu văn bản:
- Kế hoạch thi tuyển;
- Nhiệm vụ thiết kế;
- Quy chế thi tuyển;
- Mẫu đơn đăng ký tham gia thi tuyển;
- Các văn bản khác liên quan.
b) Tài liệu kỹ thuật:
- Tất cả các tài liệu chính thức của cuộc thi sẽ được đơn vị tổ chức cuộc thi cung cấp qua trang web thông tin về cuộc thi.
- Các tài liệu, thông tin liên quan khác (nếu có).
III. THỂ LỆ CUỘC THI:
1. Đối tượng, điều kiện dự thi:
a) Đối tượng được tham gia dự thi:
Tất cả các tổ chức, cá nhân hoặc liên danh tư vấn thiết kế trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện, năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam được đăng ký tham gia cuộc thi.
b) Điều kiện dự thi:
- Các tổ chức, cá nhân độc lập hoặc liên danh tham gia dự thi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam; có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, được phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế công trình hoặc tư vấn thiết kế quy hoạch,
+ Có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đảm bảo phù hợp theo quy định hiện hành.
+ Cá nhân chủ trì thiết kế quy hoạch, kiến trúc phải là kiến trúc sư và có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch hoặc thiết kế công trình theo quy định của Điều 69 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021.
+ Tổ chức tư vấn tham gia thi tuyển phải đảm bảo các điều kiện năng lực theo quy định hiện hành, có chứng chỉ năng lực hoạt động về lĩnh vực tư vấn thiết kế quy hoạch hoăc thiết kế kiến trúc tối thiểu theo quy định của Điều 92 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021.
+ Ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển có chứng chỉ hành nghề về tu bổ di tích, có kinh nghiệm về công trình văn hóa Chămpa, đã đạt giải cao tại cuộc thi phương án kiến trúc trong và ngoài nước.
- Các đơn vị dự thi sẽ được đơn vị tổ chức thi tuyển  đánh giá năng lực theo các tiêu chí của Quy chế thi tuyển này. đơn vị dự thi chính thức sẽ được đơn vị tổ chức thi tuyển ra thông báo và có giấy mời tham dự thi tuyển.
- Tiêu chí để tuyển chọn và mời tham gia thi tuyển phải đạt các tiêu chí cuộc thi đưa ra, là tổ chức, cá nhân có am hiểu về chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, đủ năng lực hoạt động; uy tín và có kinh nghiệm thực tế liên quan, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành.
c) Những đối tượng không được phép dự thi:
- Thành viên trong Hội đồng thi tuyển;
- Thành viên của Tổ Kỹ thuật;
- Các cá nhân có liên quan đến lập nhiệm vụ và quy chế thi tuyển;
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành viên trong Hội đồng thi tuyển và không có năng lực kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định.
d) Quy định về trường hợp liên danh, tư cách thành viên:
- Các tổ chức, cá nhân dự thi có thể liên danh với tổ chức, cá nhân khác đảm bảo hội đủ điều kiện do đơn vị tổ chức cuộc thi đề ra nêu trên. Trong trường hợp này cần có một đơn vị chịu trách nhiệm chính;
- Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia vào một liên danh;
- Liên danh tư vấn thiết kế phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên tham gia liên danh. Văn bản thỏa thuận liên danh phải được gửi đến đơn vị tổ chức cuộc thi cùng với hồ sơ đăng ký dự thi (vòng sơ tuyển);
- Mọi vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong liên danh do các bên tự thỏa thuận, đơn vị tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm;
- Các đơn vị dự thi có thể cộng tác với một chuyên gia hay một nhóm chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm và năng lực để đảm bảo kết quả công việc (Chuyên gia không được là thành viên Hội đồng thi tuyển, Tổ kỹ thuật). Trong trường hợp này đơn vị tư vấn không cần gửi biên bản thỏa thuận cho đơn vị tổ chức cuộc thi. Tên và lý lịch khoa học của các chuyên gia này phải được đơn vị dự thi nêu trong bảng danh sách các nhân sự tham gia lập phương án dự thi.
2. Thủ tục đăng ký dự thi và nộp hồ sơ vòng sơ tuyển:
a) Đăng ký dự thi:
Các đơn vị có nhu cầu tham gia dự thi đăng ký thông tin tham dự như sau: Nộp trực tuyến qua e-mail điện tử để đăng ký trước, sau khi có kiểm tra xác nhận thì nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện tại đơn vị tư vấn tổ chức thi tuyển.
Các đơn vị đăng ký dự thi phải nộp cho đơn vị tổ chức cuộc thi các giấy tờ sau:

 

Một số lưu ý:
- Các đơn vị đăng ký dự thi không phải đóng lệ phí tham gia thi tuyển; 
- Cơ quan tổ chức thi tuyển có quyền đề nghị đơn vị tư vấn tham gia thi tuyển làm rõ, bổ sung các giấy tờ chứng minh tư cách, năng lực, kinh nghiệm nếu cần thiết;
- Đơn vị tổ chức cuộc thi không trả bất cứ chi phí nào cho sự tham gia của các đơn vị đăng ký dự thi ngoại trừ giải thưởng và chi phí hỗ trợ tham dự cuộc thi cho tối đa 05 đơn vị có phương án dự thi hợp lệ và được Hội đồng thi tuyển đánh giá cao nhất (không bao gồm các đơn vị đạt giải nhất, nhì và ba).
b) Tiếp nhận hồ sơ vòng sơ tuyển:
Hồ sơ đăng ký dự thi (gồm các danh mục quy định tại khoản 1 Điều 7) nộp trực tiếp (trong giờ hành chính) hoặc gửi qua đường bưu điện đến đơn vị tư vấn tổ chức thi tuyển (không tính theo dấu bưu điện), chậm nhất vào trước 17h ngày cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi theo kế hoạch thi tuyển.
c) Tiếp nhận nộp sản phẩm dự thi vòng thi tuyển:
- Các đơn vị được chọn vào vòng thi tuyển thực hiện bài dự thi trong vòng 45 ngày.
- Các đơn vị dự thi nộp sản phẩm thiết kế dự thi trực tiếp (trong giờ hành chính) đến cơ quan tổ chức thi tuyển chậm nhất vào trước 17h ngày tiếp nhận bài dự thi theo kế hoạch thi tuyển. Nếu gửi qua đường bưu điện thì căn cứ theo dấu bưu điện nhưng không quá 03 ngày so với thời gian quy định:
- Tổ kỹ thuật sẽ lập biên bản giao nộp hồ sơ sản phẩm dự thi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện), trong đó nêu rõ: Thời gian nộp, số lượng, nội dung, tình trạng sản phẩm. Tổ kỹ thuật và đại diện bên giao nộp sản phẩm dự thi sẽ ký vào biên bản; biên bản bàn giao sản phẩm được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản;
- Đơn vị dự thi cần quan tâm đến việc bảo quản an toàn sản phẩm và tôn trọng các quy định về hồ sơ khi chuyển sản phẩm đến cơ quan tổ chức thi tuyển;
- Đơn vị dự thi không được phép thay đổi hồ sơ phương án dự thi sau thời gian nộp hồ sơ. Trong quá trình đánh giá hồ sơ phương án dự thi, đơn vị tổ chức cuộc thi có thể yêu cầu đơn vị dự thi làm rõ nội dung của hồ sơ phương án dự thi theo hình thức trao đổi gián tiếp hoặc trực tiếp nhưng đảm bảo không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ phương án thiết kế. Các đề nghị làm rõ của đơn vị tổ chức cuộc thi, các ý kiến trả lời của đơn vị dự thi phải thể hiện bằng văn bản và đơn vị tổ chức cuộc thi  lưu giữ theo quy định của cuộc thi.
3. Thời gian, địa điểm thi tuyển:
a) Thời gian thi tuyển:
Thời gian thi tuyển thực hiện theo Kế hoạch thi tuyển được đơn vị tổ chức thi tuyển phê duyệt.
- Thời gian đăng ký dự thi: Kể từ ngày thông báo trên trang web cuộc thi và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi: Theo kế hoạch thi tuyển được duyệt.
- Thời gian báo cáo kết quả vòng sơ tuyển: Chậm nhất 5 ngày sau ngày kết thúc nhận hồ sơ xét sơ tuyển, đơn vị tổ chức thi tuyển ký Biên bản họp đánh giá Hồ sơ năng lực và ban hành Quyết định kết quả lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế phù hợp được chọn vào vòng thi tuyển.
- Những đơn vị tư vấn thiết kế được chọn vào vòng thi tuyển sẽ được thông báo đến từng đơn vị.
- Thời gian giao hồ sơ, tài liệu phục vụ vòng thi tuyển cho các đơn vị tham gia được lựa chọn: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày thông báo đến các đơn vị dự thi được xét chọn.
- Thời gian đi khảo sát thực địa: Tổ chức, cá nhân tham gia dự thi tự tổ chức khảo sát, thăm quan thực địa nếu xét thấy cần thiết.
- Trong quá trình diễn ra cuộc thi, nếu có thay đổi về thời gian, đơn vị tổ chức cuộc thi sẽ có thông báo gửi đến các đơn vị dự thi trước thời gian nộp sản phẩm dự thi tối thiểu 03 ngày.
b) Địa điểm thi tuyển:
Địa điểm tổ chức báo cáo phương án dự thi trước Hội đồng thi tuyển, đơn vị tổ chức cuộc thi sẽ gửi Thông báo hoặc Thư mời đến các đơn vị dự thi trước 05 ngày diễn ra buổi chấm thi.
4. Yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm dự thi:
a) Quy định chung:
- Không giới hạn các nội dung minh hoạ cho phương án dự thi.
- Ngôn ngữ sử dụng trong toàn bộ sản phẩm dự thi và các bản thuyết minh là: Tiếng Việt hoặc song ngữ Anh - Việt (nếu đơn vị dự thi ngoài nước), các ngôn ngữ khác không được sử dụng trong việc thể hiện trên bất kỳ bản vẽ và thuyết minh nào.
- Đơn vị đo lường sử dụng trong sản phẩm dự thi: Đo độ dài theo hệ thống mét (m); kích thước cho bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng lấy đơn vị mét (m), mét vuông (m2) hoặc hecta (ha); kích thước cho bản vẽ kiến trúc lấy đơn vị là milimet (mm).
- Hình thức thể hiện: Các ký hiệu, màu sắc theo quy ước của hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án kiến trúc, quy hoạch xây dựng của Việt Nam.
- Mỗi đơn vị tham gia cuộc thi không quá 02 phương án dự thi.
- Đơn vị tiền tệ: Việt Nam đồng.
b) Quy cách hồ sơ, sản phẩm dự thi:
- Toàn bộ hồ sơ, sản phẩm dự thi được thể hiện theo nguyên tắc ẩn danh. Sử dụng ký hiệu bằng mã số ẩn danh trên các sản phẩm nộp (từng trang bản vẽ và thuyết mình). Mã số ẩn danh này do đơn vị dự thi tự chọn gồm 02 chữ cái và 02 chữ số (ví dụ: AB12), viết chữ in cao 01cm ở phía trên bên phải của từng bản vẽ, tài liệu dự thi. Mã số này cũng được ghi trên tờ bìa của thuyết minh và trên một góc của mô hình (nếu có). Đơn vị dự thi nào ghi tên công ty hoặc nhóm nghiên cứu của mình trên khung tên của bất kỳ bản vẽ nào trong số các bản vẽ sẽ bị loại.
- Mỗi hồ sơ dự thi phải được đựng trong một bao bì dán kín và niêm phong, phía ngoài có ghi tên cuộc thi, mã số đơn vị dự thi và bảng liệt kê các thành phần hồ sơ dự thi chứa bên trong (thực hiện theo quy tắc ẩn danh).
- Trên các bản vẽ, thuyết minh không được có bất cứ thông tin bằng chữ, hình vẽ (Logo, biểu tượng, ký hiệu...) có thể xác định được đơn vị dự thi.
- Nội dung đầy đủ về đơn vị dự thi được ghi trong một phong bì dán kín và niêm phong của đơn vị dự thi gửi kèm theo (bao gồm tên đơn vị, địa chỉ, điện thoại, fax, e-mail...). Phía ngoài bì thư chỉ ghi mã số của đơn vị dự thi;.
- Quy tắc ẩn danh được thực hiện trên tất cả các hồ sơ, sản phẩm dự thi cũng như cổng USB.
- Hồ sơ sẽ được bảo mật đến khi bàn giao cho Hội đồng thi tuyển và chỉ được sử dụng hồ sơ này khi Hội đồng chấm điểm (công khai) hoặc để đơn vị dự thi trình bày trước Hội đồng.
c) Nội dung hồ sơ phương án thiết kế:
- Thuyết minh: Thuyết minh phương án dự thi được trình bày trên khổ giấy A3, bản vẽ khổ giấy A3 in ngang, đóng tập, bìa cứng, phải thể hiện được những nội dung sau:
+ Giới thiệu mô tả đặc điểm tự nhiên, giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích Chăm Phong Lệ;
+ Định hướng triển vọng và tiềm năng phát triển du lịch, phát triển văn hóa, kinh tế;
+ Thuyết minh rõ các giải pháp bảo tồn, tu bổ phát huy giá trị di tích được khai quật trong khu vực I, nghiên cứu các giải pháp áp dụng công nghệ kỹ thuật mới trong việc mô phỏng quảng bá di tích phục vụ khách tham quan;
+ Đánh giá hiện trạng khu vực, tổ chức giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan khu vực nghiên cứu và quỹ đất xây dựng;
+ Ý tưởng thiết kế của phương án dự thi (bao gồm về hình khối và công năng sử dụng);
+ Phân tích sự phù hợp với nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của khu vực xây dựng;
+ Phân tích sự phù hợp về đặc điểm lịch sử, văn hóa xã hội của địa phương;
+ Dự kiến các giải pháp kỹ thuật bên trong và bên ngoài công trình; các giải pháp về vật liệu xây dựng, trang thiết bị công trình (nếu có);
+ Ảnh hưởng tác động của phương án đối với các quy định về bảo vệ môi trường, lũ lụt và phòng chống cháy nổ;
+ Tính khả thi của phương án;
+ Dự trù tổng mức đầu tư theo phương án dự thi, đề xuất đảm bảo phù hợp với quy mô và suất đầu tư theo quy định hiện hành (bao gồm các chi phí thiết kế, giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí khác có liên quan).
- Bản vẽ:
+ Sơ đồ vị trí và mối liên hệ với các khu vực xung quanh phường Hòa Thọ Đông;
+ Các sơ đồ, bản vẽ đánh giá hiện trạng gồm di tích phát lộ, sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan khu vực nghiên cứu và quỹ đất xây dựng;
+ Sơ đồ tổng thể thể hiện rõ các hạng mục thuộc khu vực bảo tồn, bảo vệ di tích, khu phát huy giá trị di tích ...
+ Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng với tỷ lệ phù hợp: Thể hiện rõ mối liên hệ giữa công trình với mạng lưới giao thông lân cận và không gian cảnh quan, kiến trúc xung quanh;
+ Các bản vẽ phương án thiết kế kiến trúc với tỷ lệ phù hợp: Các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chính, mặt cắt điển hình;
+ Các bản vẽ phối cảnh tổng thể công trình, trong đó có tối thiểu 01 bản vẽ phối cảnh về đêm thể hiện ý tưởng chiếu sáng công trình;
+ Phối cảnh các tiểu cảnh không gian kiến trúc để mô tả các công năng, chức năng, điểm nhấn, điểm checkin của công trình cầu;
+ Các nội dung khác đơn vị dự thi tự chọn nhằm minh họa cho các giải pháp thiết kế của đồ án;
- Các nội dung khác:
Ngoài các thuyết minh, bản vẽ các đơn vị tham gia dự thi có thể làm phim trình chiếu, mô hình của phương án dự thi (khuyến khích, không bắt buộc). Lưu ý trong video báo cáo chỉ được nêu mã số ẩn danh, không nêu tên đơn vị dự thị.
- Số lượng hồ sơ dự thi:
+ Hồ sơ thuyết minh phương án, bản vẽ màu thu gọn trình bày trên khổ giấy A3: Số lượng 18 bộ;
+ Bản vẽ trưng bày bồi trên bảng cứng khổ A1 (có đánh số thự tự bản vẽ) để trưng bày triễn lãm và báo cáo trước Hội đồng thi tuyển: Số lượng 01 bộ;
+ File PDF hoặc Power Point báo cáo toàn bộ thuyết minh, bản vẽ, hình ảnh minh họa;
+ 01 USB ghi toàn bộ dữ liệu của phương án dự thi.
- Video minh họa phương án (khuyến khích có).
- Video báo cáo thuyết trình phương án trước Hội đồng thi tuyển, lưu ý trong video báo cáo chỉ nêu mã số ẩn danh, không nêu tên đơn vị.
d) Hồ sơ, sản phẩm dự thi không hợp lệ:
Đơn vị tổ chức cuộc thi sẽ loại bỏ, không chấp nhận và không đưa ra Hội đồng thi tuyển xem xét, đánh giá những sản phẩm dự thi không đáp ứng những yêu cầu cơ bản của Quy chế thi tuyển, bao gồm các trường hợp sau:
- Vi phạm nguyên tắc ẩn danh theo quy định cho Hội đồng thi tuyển có thể nhận biết được đơn vị dự thi trong quá trình đánh giá các phương án.
- Nộp thiếu số lượng và thành phần hồ sơ, nộp không đúng thời hạn và địa điểm theo quy định.
5. Đánh giá, xếp hạng phương án dự thi và công bố kết quả:
a) Thành phần Hội đồng.
- Hội đồng thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc (gọi tắt là Hội đồng thi tuyển) thực hiện đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, giúp đơn vị tổ chức thi tuyển chọn ra phương án tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để triển khai các bước tiếp theo của dự án.
- Hội đồng thi tuyển do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập.
- Thành phần Hội đồng thi tuyển tuân thủ theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010.
+ Hội đồng thi tuyển dự kiến gồm có 11 thành viên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan, hội đồng kiến trúc quy hoạch và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc, khách quan, công tâm.
+ Chủ tịch Hội đồng phải là chuyên gia có kinh nghiệm đã thiết kế quy hoạch, kiến trúc, có uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng do Hội đồng thi tuyển bầu ra hoặc Chủ đầu tư mời.
b) Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thi tuyển.
- Hội đồng hoạt động độc lập, tuân thủ Quy chế hoạt động của Hội đồng. Các thành viên Hội đồng đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực và có trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ chung của Hội đồng;
- Quy chế Hội đồng phải thể hiện cụ thể nguyên tắc, phương pháp đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, trách nhiệm của Hội đồng;
- Quy chế phải được các thành viên thống nhất. Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng phê duyệt Quy chế và chịu trách nhiệm về việc thực hiện Quy chế;
- Hội đồng chỉ tiến hành đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi khi có ít nhất 3/4 số thành viên có mặt;
- Chủ tịch Hội đồng và các thành viên, thư ký không được công bố, cung cấp cho tổ chức, các nhận khác ngoài Hội đồng các thông tin về nội dung thảo luận, ý kiến kết luận của Hội đồng trong thời gian đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi;
- Báo cáo kết quả thi tuyển phải được tất cả các thành viên Hội đồng tham gia ký xác nhận.
c) Trách nhiệm của Hội đồng thi tuyển.
- Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm về đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng.
- Hội đồng làm việc theo Quy chế do Hội đồng quy định (Quy chế Hội đồng thi tuyển).  Quy chế Hội đồng thi tuyển thể hiện nguyên tắc, phương pháp đánh giá, tiêu chí xếp hạng các phương án dự thi; chế độ làm việc và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng. Quy chế Hội đồng thi tuyển phải được các thành viên thống nhất. Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng phê duyệt Quy chế Hội đồng thi tuyển.
- Chủ tịch Hội đồng phải có mặt và chủ trì Hội đồng trong suốt thời gian Hội đồng làm việc.
- Tổng hợp và báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng thi tuyển với đơn vị tổ chức thi tuyển.
- Các ý kiến góp ý của Hội đồng thi tuyển cho các phương án sẽ được tổng hợp để đơn vị tổ chức thi tuyển yêu cầu đơn vị đạt giải bổ sung hoàn thiện thiết kế phương án.
6. Báo cáo phương án và chấm chọn (Vòng thi tuyển):
a) Bảo vệ phương án trước Hội đồng thi tuyển:
Sau khi nộp sản phẩm dự thi, các đơn vị dự thi đáp ứng đủ điều kiện sẽ được thông báo thời điểm, địa điểm chính thức tiến hành bảo vệ phương án trước Hội đồng thi tuyển. Hình thức bảo vệ sẽ theo thông báo của đơn vị tổ chức cuộc thi.
- Hình thức báo cáo trực tiếp:
Mỗi đơn vị cử đại diện báo cáo, bảo vệ phương án theo hình thức trình chiếu, thuyết minh. Đơn vị dự thi chuẩn bị file và chiếu tại thời điểm báo cáo. Trường hợp báo cáo theo hình thức khác, đơn vị dự thi tự trang bị các phương tiện cần thiết.
Thời gian mỗi đơn vị báo cáo tối đa 20 phút (25 phút nếu có video), đơn vị nước ngoài 25 phút (30 phút nếu có video).
- Hình thức báo cáo qua video:
 Mỗi đơn vị tự quay video thuyết trình phương án cho Hội đồng thi tuyển xem và trao đổi với Hội đồng qua kết nối trực tuyến.
b) Quy trình chấm chọn phương án (Vòng thi tuyển):
b.1. Quy trình chấm chọn:
- Vòng 1 (Phân loại bài dự thi): Đơn vị tổ chức cuộc thi phân loại các bài dự thi đáp ứng các tiêu chí theo quy chế nhiệm vụ thi tuyển đã phê duyệt được vào vòng 2 bảo vệ phương án trước Hội đồng thi tuyển.
- Vòng 2 (Báo cáo, chấm chọn bài dự thi): Sau khi nghiên cứu các phương án dự thi và nghe các đơn vị trình bày (trực tiếp hoặc qua video), Hội đồng thi tuyển phân tích, đánh giá, chấm chọn. 03 phương án có số điểm cao nhất được vào vòng 3, xếp hạng cuối cùng theo cơ cấu giải thưởng.
- Vòng 3 (Xếp hạng đạt giải): Hội đồng thi tuyển thảo luận, đánh giá xếp hạng cuối cùng thông qua hình thức bỏ phiếu kín.
Lưu ý: Quy trình chấm chọn có thể thay đổi theo tình hình thực tế do Hội đồng thi tuyển quyết định.
7. Quy định về bản quyền và quyền sở hữu, quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị dự thi:
a) Bảo mật, bản quyền, quyền sở hữu:
- Sản phẩm dự thi của các đơn vị tư vấn tham gia dự thi được Tổ kỹ thuật bảo quản và bảo mật trong suốt thời gian chấm thi.
- Các phương án tham gia thi tuyển được đảm bảo quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Cơ quan quyết định thi tuyển là chủ sở hữu các sản phẩm thiết kế dự thi và được công bố các sản phẩm thiết kế dự thi.
- Các sản phẩm thiết kế dự thi (bản đồ, bản vẽ, báo cáo, thuyết minh, mô hình, phim...) do đơn vị dự thi nộp sẽ trở thành tài sản của Cơ quan quyết định thi tuyển, không trả lại cho đơn vị dự thi.
- Đơn vị tổ chức thi tuyển sẽ thống nhất với đơn vị tư vấn thiết kế đạt giải để sử dụng, bổ sung các ý tưởng từ các phương án thi tuyển nhằm mục đích hoàn thiện thiết kế theo ý kiến của Hội đồng thi tuyển.
- Đơn vị tham dự thi tuyển cam kết:
+ Không sử dụng phương án đạt giải tại cuộc thi này vào bất kỳ cuộc thi và cho các đồ án nào khác. Các đơn vị dự thi phải hoàn trả kinh phí giải thưởng nếu vi phạm;
 + Tất cả hồ sơ, tài liệu, phương án dự thi do đơn vị thực hiện phải đảm bảo không vi phạm bản quyền hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bất cứ cá nhân hoặc bên thứ ba nào khác. Các đơn vị tư vấn dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm dự thi, bao gồm cả ý tưởng, nội dung hồ sơ, thuyết minh, bản vẽ, phần mềm sử dụng... đối với bên thứ ba trong trường hợp có khiếu nại. Nếu các vi phạm về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho cơ quan quyết định thi tuyển và đơn vị tổ chức thi tuyển thì đơn vị tư vấn thiết kế gây thiệt hại phải bồi thường kể cả tiền thưởng và kinh phí hỗ trợ đã nhận.
- Trước khi công bố kết quả của cuộc thi, các đơn vị tư vấn tham gia dự thi không được sử dụng, cung cấp, trưng bày sản phẩm thiết kế dự thi cho mục đích khác nếu không được phép của đơn vị tổ chức cuộc thi.
- Đơn vị tư vấn tham dự thi tuyển được quyền sử dụng phương án dự thi để giới thiệu năng lực tư vấn của mình sau khi cuộc thi kết thúc.
b) Quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị:
b1. Quyền và trách nhiệm của đơn vị thiết kế tham dự thi tuyển:
- Đơn vị tổ chức thi tuyển hỗ trợ kinh phí thực hiện cho tối đa 05 đơn vị có số điểm được Hội đồng thi tuyển đánh giá từ cao xuống thấp (không bao gồm các đơn vị đạt giải nhất, nhì và ba) sau khi kết quả được công bố.
- Các phương án tham gia thi tuyển được đảm bảo quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân có phương án đạt giải cao nhất được chọn, sẽ được ưu tiên thực hiện các bước tiếp theo của dự án khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu.
- Tổ chức, cá nhân có phương án đạt giải cao nhất được chọn thực hiện các bước tiếp theo của dự án (tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng) nếu không đủ điều kiện năng lực để triển khai các bước tiếp theo thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện.
- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo của đơn vị tổ chức thi tuyển hoặc đơn vị được giao triển khai dự án, trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án được chọn không tiến hành, từ chối tiến hành triển khai các bước tiếp theo hoặc các bên không thương thảo được thì phương án được xếp hạng tiếp theo được chọn để thương thảo, ký kết hợp đồng (sau khi được góp ý hoàn thiện phương án).
Các chi phí tư vấn đối với phương án được lựa chọn triển khai áp dụng theo các quy định hiện hành của Việt Nam.
- Các đơn vị tư vấn thiết kế tham gia cuộc thi không có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi, Tổ kỹ thuật, Hội đồng thi tuyển và các tổ chức/cơ quan liên quan đến cuộc thi tuyển này giải trình về kết quả sơ tuyển, thi tuyển.
- Bằng việc tham dự thi tuyển phương án kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) – Giai đoạn 1, đơn vị tư vấn được coi là đã tìm hiểu, thừa nhận và tự nguyện tuân thủ Quy chế thi tuyển đã được phê duyệt ban hành.
- Tuân thủ theo quy định của Quy chế thi tuyển và Nhiệm vụ thiết kế.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền và quyền tác giả của những tác phẩm dự thi, kể cả nếu có tranh chấp liên quan.
- Đảm bảo hạch toán tài chính độc lập và không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.
- Hoàn thiện phương án trên cơ sở góp ý của Hội đồng thi tuyển, các chuyên gia, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong trường hợp được lựa chọn là đơn vị triển khai các bước tiếp theo.
- Phối hợp với đơn vị tổ chức thi tuyển báo cáo phương án đạt giải với Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố (nếu có yêu cầu).
- Các đơn vị dự thi được thông báo thời điểm, địa điểm chính thức tiến hành bảo vệ phương án trước Hội đồng thi tuyển, thời gian thông báo trước ngày bảo vệ ít nhất là 05 ngày (nếu được yêu cầu).
- Chịu toàn bộ chi phí liên quan đến đăng ký dự thi và tham gia thi tuyển.
b2. Quyền và trách nhiệm của Đơn vị tổ chức thi tuyển, Hội đồng thi tuyển:
- Thực hiện theo Quy chế thi tuyển đã được phê duyệt.
- Không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả thi tuyển.
- Tổ chức cuộc thi công khai minh bạch. Mọi yêu cầu phải được thông báo đến các đơn vị dự thi đầy đủ rõ ràng.
- Bảo vệ thông tin của các đơn vị dự thi.
- Sở hữu toàn bộ sản phẩm tham gia dự thi.
- Thanh toán kinh phí giải thưởng cho các đơn vị dự thi theo quy định.
- Lựa chọn một đơn vị đảm bảo đủ năng lực theo quy định và phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo dựa trên ý tưởng và kết quả nghiên cứu của nhiều phương án trong cuộc thi này nhưng phải đảm bảo quyền tác giả trong khi sử dụng.
- Lựa chọn phương án phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo.
b3. Các quy định khác của cuộc thi:
- Đơn vị tổ chức thi tuyển có quyền điều chỉnh Quy chế thi tuyển trên cơ sở đề xuất của Hội đồng thi tuyển; Đơn vị tư vấn tổ chức thi tuyển, có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về các nội dung điều chỉnh.
- Trường hợp không có phương án đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu trong Nhiệm vụ thiết kế và Quy chế thi tuyển thì tổ chức thi tuyển lại hoặc dừng cuộc thi do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định.
- Mọi tranh chấp liên quan trong quá trình thi tuyển (nếu có) sẽ được giải quyết thông qua hòa giải, nếu không thành sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

IV. NHIỆM VỤ THI TUYỂN
1. Mục tiêu đầu tư:
- Tu bổ, bảo tồn toàn bộ các hạng mục, kết cấu di tích Chăm được khảo cổ phát lộ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ. Sử dụng những biện pháp công nghệ và kỹ thuật hạn chế tối đa sự tác động của các điều kiện môi trường tự nhiên như nước ngầm, xói mòn... giúp di tích bền vững lâu dài. Xây dựng nhà bao che toàn bộ khu vực di tích đã phát lộ khảo cổ để bảo tồn và nghiên cứu lâu dài. Hình thức công trình có tính biểu trưng cao, dễ bảo trì và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời tạo thêm không gian trưng bày, triển lãm quảng bá các di sản vật thể văn hóa Chăm
- Hoàn thiện và tôn tạo hạ tầng khu vực gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ đó tạo thêm tiện nghi phục vụ du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và khớp nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực như hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông và giao thông tĩnh…
- Liên kết, kết nối với các tuyến du lịch khai thác di tích hiệu quả và bền vững tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc cho Du lịch Đà Nẵng nói chung.
- Tuyên truyền, định hướng cộng đồng dân cư trong khu vực di tích cùng tham gia giữ gìn và phát huy di tích; đưa các giá trị kinh tế qua các hoạt động du lịch, dịch vụ… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực.
2. Nhiệm vụ thi tuyển:

2.1 Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế áp dụng:

- Tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

- QCXDVN 01:2021/BXD: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng;
QCXDVN 02:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.
- QCXDVN 03:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng.
- Quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khoẻ;
- QCVN 06:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
- Quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
- Quy chuẩn QCVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
- Các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
2. Giới thiệu chung:
- Vị trí - Quy mô:
+ Khu di tích khảo cổ Phong Lệ hiện nằm cách quốc lộ 1 khoảng 300m về phía Đông và cách sông Cầu Đỏ (sông Cẩm Lệ) khoảng gần 500m về phía Bắc; tọa độ 16000’13” vĩ Bắc và 108011’38” kinh Đông (theo Flash Earth); thuộc địa phận Thôn 3, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng
+ Khu di tích khảo cổ Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Hiện nay, Phong Lệ không còn là tên gọi một đơn vị hành chính nữa, nhưng vẫn đang là tên gọi của 1 ngôi đình làng và nhiều người vẫn có thể xác định được địa phận của làng Phong Lệ xưa. Địa phận của làng Phong Lệ xưa nằm ở cả hai bên sông Cầu Đỏ (sông Cẩm Lệ).


 

* Vị trí quy hoạch trong quy hoạch phân khu trung tâm
- Giá trị lịch sử - văn hoá:
+ Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X, di tích Chăm - Phong Lệ vừa có giá trị lịch sử lâu đời vừa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ hiếm hoi còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
+ Hiện nay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang bảo quản và trưng bày rất nhiều hiện vật được chuyển từ Phong Lệ về vào những năm đầu thế kỷ 20, trong đó có cả tượng tròn, phù điêu và trang trí kiến trúc.
+ Các đợt khảo cổ năm 2011, 2012 và 2018 đều phát hiện các hiện vật điêu khắc rất có giá trị và phát lộ khá hoàn chỉnh các cấu trúc kiến trúc quan trọng nhất cấu thành quần thể Chăm Phong Lệ; đặc biệt khảo cổ phát lộ nguyên vẹn được Hố Thiêng có kích thước đến nay thuộc hàng lớn nhất Việt Nam và khu vực.
 - Giá trị khoa học:
  + Với dấu tích di tích đã được phát lộ qua các đợt khảo cổ cho tại Phong Lệ đã từng tồn tại các công trình kiến trúc Champa quy mô lớn.
  + Cuộc khai quật khu di tích Phong Lệ năm 2011 đã mở 5 hố (ký hiệu là 11.PL.H1, 11.PL.H2, 11.PL.H3, 11.PL.H4, 11.PL.H5) với tổng diện tích 206m2 và đã làm xuất lộ được 2 di tích kiến trúc có quy mô to lớn. Trong đó, có thể ở H1 là di tích của ngôi tháp Cổng và ở H4 và H5 là di tích của ngôi tháp Trung Tâm trong 1 quẩn thể kiến trúc Ấn Độ giáo của vương quốc Champa xưa. Ngoài ra, cuộc khai quật khu di tích Phong Lệ năm 2011 còn thu thập được rất nhiều tư liệu quý giá để phục vụ cho công tác trưng bày của Bảo tàng và nghiên cứu khoa học. Cuộc khai quật khu di tích Chàm Phong Lệ lần 2 năm 2012 tuy chưa khai quật và thám sát được toàn bộ khu di tích nhưng đã làm lộ ra khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chàm rất lớn. Đặc biệt là lần đầu tiên đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với những di tích đã biết. Những hiện vật thu được tuy là những viên cuội granite hình trứng, những viên gạch vuông, những viên thạch anh trắng … đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi về tín ngưỡng tôn giáo, về quy mô của toàn bộ khu di tích, về ý nghĩa của khu di tích trong đời sống vật chất và tinh thần của người Chàm xưa
- Nhìn chung giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:
Di tích Chăm - Phong Lệ mới được khai quật phát lộ hiện vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cũng như kiến trúc đặc trưng cho kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, những cấu trúc đặc biệt của di tích này sẽ là đối tượng nghiên cứu có giá trị cho quá trình tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố.
3. Ranh giới phạm vi nghiên cứu:
- Tổng diện tích phạm vi khu đất nghiên cứu là 19.740 m2 gồm:
  + Phạm vi khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích với diện tích 4.279 m2 (Khu vực I diện tích 2653 m2; Khu vực II diện tích 1626 m2)
  + Phạm vi khu vực phát huy giá trị di tích với diện tích 15.461 m2 (Khu vực III).
- Tứ cận khu đất nghiên cứu như sau:
+ Khu vực I là Khu vực bảo tồn với diện tích 2.653m2: Phía Bắc, Nam, Tây: Giáp đất khu dân cư hiện trạng; Phía Đông: Giáp khu số 2;
+ Khu số II là Khu vực bảo vệ di tích với diện tích 1.626m2): Phía Bắc, Nam: Giáp đất khu dân cư hiện trạng; Phía Đông: Giáp đường quy hoạch; Phía Tây: Giáp khu số 1.
+ Khu số III là Khu vực phát huy giá trị di tích với diện tích 15.461m2: Phía Bắc: Giáp đất quy hoạch công viên cây xanh; Phía Nam: Giáp đường Thăng Long; Phía Đông: Giáp đường Phạm Vinh; Phía Tây: Giáp đường quy hoạch;
* Ranh giới khu đất trên bản đồ Google map:

 

4. Hiện trạng khu vực:
  Hiện trạng khu vực nghiên cứu gồm: Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (gồm 2.653m2 Khu vực I và 1.626m2 Khu vực II): Kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 02 ngôi mộ cổ, hố thiêng, các cổ vật, nhà trưng bày.
5. Yêu cầu thiết kế:
a) Yêu cầu chung:
- Khảo sát hiện trạng và có phân tích đánh giá các điều kiện hiện trang chung của công trình.
- Phù hợp với định hướng của Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng được phê duyệt tại Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 và Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Di tích Chăm Phong Lệ và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ).
  - Các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc: Đề xuất các chỉ tiêu về sử dụng đất, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, kinh tế xã hội phù hợp với quy chuẩn - tiêu chuẩn hiện hành.
  - Đảm bảo công năng sử dụng trong đó đưa ra các giải pháp kỹ thuật để bảo tồn, phục hồi và phát huy toàn bộ di tích Chăm khảo cổ được phát lộ, đồng thời đảm bảo các tiện tích, thông tin, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tham quan của người dân và du khách.
  - Giải pháp phân khu chức năng, tổ chức bố trí công năng sử dụng hợp lý, đảm bảo như cầu sử dụng, vận hành khai thác.
  - Giải pháp thiết kế kiến trúc, tổ chức không gian, nội thất công trình phù hợp tính chất công trình, với hình dáng, vị trí và kích thước khu đất quy hoạch, hài hòa với không gian cảnh quan xung quanh, tạo được điểm nhấn và có nét đặc trưng riêng phù hợp với kiến trúc văn hoá Chăm.
  - Giải pháp không gian chiều cao: Đề xuất giải pháp thiết kế về chiều cao, hình khối công trình và tổ chức không gian cảnh quan xung quanh khu vực, phù hợp với cảnh quan khu vực bờ sông Cảm Lệ, các công trình lân cận.
  - Quy định hoặc đề xuất giải pháp thiết kế cho từng hạng mục công trình cụ thể.
  - Giải pháp tổ chức giao thông: Đề xuất các phương án tiếp cận hợp lý với khu vực, đảm bảo sự xuyên suốt, khu vực để xe ô tô, xe máy cho người dân và du khách, trong đó đặc biệt lưu ý các phương tiện đón trả các đoàn khách du lịch.
  - Các giải pháp liên quan hạ tầng khớp nối đồng bộ như giao thông, đỗ xe, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc đồng bộ…
  - Giải pháp kỹ thuật: Có giải pháp kết cấu chịu lực đàm bảo tính khả thi, bền vững, sử dụng lâu dài và hệ thống kỹ thuật công trình hiện đại, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian xây dựng công trình, đảm bảo duy tu bảo trì, vận hành công trình, phù hợp với đề án phát triển thành phố thông minh của thành phố, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả cho công trình.
  - Đề xuất các kịch bản hoạt động, vận hành khai thác sử dụng có khả năng kêu gọi đầu tư xã hội hóa, phục vụ cho người dân và du khách.
  - Đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, tài chính.
  - Xác định nhu cầu đầu tư, giai đoạn đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sử dụng đất và tính toán hiệu quả kinh tế.
  - Đánh giá sơ bộ tác động môi trường kèm các giải pháp bảo vệ môi trường.
b) Yêu cầu thiết kế cụ thể:       
Căn cứ nội dung qui mô Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng được phê duyệt tại Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 và Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Di tích Chăm Phong Lệ, kế thừa các kết quả nội dung các nghiên cứu của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng giai đoạn trước Thông báo số 375/TB-VP ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng có hiệu lực, đề xuất yêu cầu thiết kế như sau:
- Phạm vi định hướng quy hoạch bảo tồn là khu vực bảo vệ I (khu vực lõi) của di tích với diện tích là 2.653m2 và không gian ngoại vi có diện tích 17.087m2.
- Về bố cục không gian, chia thành 02 khu vực với các chức năng như sau:
+ Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.297m2 (gồm 2.653m2 Khu vực I và 1.626m2 Khu vực II): Bảo tồn kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu bà, 02 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết và hệ thống cây xanh không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.
Giải pháp bảo tồn và bảo vệ di tích: Hệ thống tường bao bảo vệ, hệ thống thoát nước, hành lang tuyến tham quan di tích tại khu vực bảo vệ tránh ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích, hệ thống mái che cho toàn bộ khu vực I có chất liệu hài hòa, bền vững, sử dụng lâu dài với yếu tố thời tiết (không sử dụng chất liệu tôn mạ kẽm).
Giải pháp chiếu sáng di tích: Chiếu sáng không gian cảnh quan tổng thể khu di tích và trực tiếp khu vực vùng lõi gắn với nền, móng đền tháp, hố thiên, hiện vật khai quật khảo cổ được phát lộ trên mặt bằng hố khai quật khảo cỗ.
+ Khu vực phát huy giá trị di tích, diện tích 15.461m2 (Khu vực III): Quy hoạch hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan, thư giãn, giải trí. Quy hoạch 05 khu dịch vụ, bố trí các khu vực giải khát, bán các sản phẩm truyền thống; quy hoạch khu vực bãi đỗ xe; Bố trí quy hoạch thêm các cho các công trình chức năng Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống (sưu tầm các công cụ, quy trình sản xuất sản phẩm của các ngành nghề của địa phương và các vùng lân cận), không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội mục đồng, lễ hội đua thuyền, trưng bày hình ảnh, tư liệu về làng cổ Đà Ly, tổ chức hát hò khoan, hát bội, hát bài chòi...), ngoài ra quy hoạch không gian công viên cây xanh tạo vùng đệm bảo vệ di tích và khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Lưu ý hồ sen vừa là hồ cảnh quan vừa là hồ điều hòa đảm bảo cho việc điều tiết thoát nước từ khu vực phía Bắc thoát ra sông Cẩm Lệ thông qua hệ thống kênh thoát.
3. Kinh tế:
Lập khái toán kinh phí đầu tư, phương án thiết kế đảm bảo theo Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 về việc Phê duyệt điều chỉnh Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Di tích Chăm Phong Lệ và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lê).
Sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn kêu gọi đầu tư hợp pháp khác, Tổng mức đầu tư dự kiến là  266.796.000.000 đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách: Thực hiện giải tỏa đền bù, khảo cổ và đầu tư bảo tồn các hạng mục công trình tại Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (khu vực I và khu vực II), gồm:
+ Công tác giải tỏa đền bù, khảo cổ và bảo vệ di tích tại khu vực I: 4.403.830.500 đồng.
+ Triển khai đầu tư dự án giai đoạn 2022-2027, với kinh phí khoảng: 140.736.000.000 đồng (bao gồm toàn bộ các hạng mục của khu vực I và khu vực II, hạ tầng kỹ thuật của khu vực III).
- Vốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa:
Triển khai đầu tư giai đoạn 2028-2032, đầu tư các hạng mục phát huy giá trị di tích tại khu vực III với kinh phí khoảng: 121.656.280.000 đồng.
4. 
Đề xuất phương án kinh doanh – khai thác:
- Đề xuất các mô hình tổ chức hoạt động, các chương trình, kịch bản khai thác đảm bảo Bảo tàng Chăm sẽ là điểm đến mới mẻ, cuốn hút, vừa quảng bá được hình ảnh địa phương, đất nước; vừa có nguồn thu từ bán vé và các giá trị gia tăng từ khối dịch vụ và các hoạt động sự kiện.
- Đề xuất phương án vận hành, kinh doanh khai thác đối với khu vực III, phương thức kêu gọi đầu tư xã hội hóa, khả năng thu hồi vốn.
V. KẾ HOẠCH THI TUYỂN

 


  

Tác giả bài viết: Thanh Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn phòng:

107 Lê Sát, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại:

0236.3621925

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây