Thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Phương án kiến trúc Chợ Cồn

Chợ Cồn trong tương lai sẽ có tổng mặt bằng 24.504m2, cao tối đa 08 tầng và có 02 tầng hầm.
Thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Phương án kiến trúc Chợ Cồn
Ngày 26/12/2019, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – Ông Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định số 5874/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy chế, Nhiệm vụ thiết kế, Kế hoạch thi tuyển, Kinh phí tổ chức thi tuyển Phương án kiến trúc Chợ Cồn. Theo đó, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao làm đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi. Cụ thể như sau:

1. Kế hoạch thi tuyển
+ Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi: 30/12/2019 – 10/01/2020
+ Thời gian thực hiện bài thi: từ ngày 15/01/2020 – 10/03/2020

2. Cơ cấu giải thưởng.
+ 01 Giải nhất               : 400 triệu đồng.
+ 01 Giải nhì                 : 100 triệu đồng.
+ 01 Giải ba                  :   50 triệu đồng.
+ 01 Giải cộng đồng    :   30 triệu đồng.
+ Hỗ trợ 6 đội lọt vào vòng trong (trừ các 04 đội đạt giải): 120 triệu đồng.

3. Vị trí, đặc điểm khu đất quy hoạch Chợ Cồn:
Địa điểm: Số 290 đường Hùng Vương, Phường Vĩnh Trung, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
- Ranh giới phạm vi nghiên cứu:
+ Phía Bắc          : Giáp K269 Ông Ích Khiêm
+ Phía Nam         : Giáp đường Hùng Vương
+ Phía Đông       : Giáp đường Phạm Ngũ Lão
+ Phía Tây          : Giáp đường Ông Ích Khiêm.

4.  Yêu cầu thiết kế:
- Xác định loại hình chợ là chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố (Theo chủ trương của UBND thành phố tại Thông báo số 122/TB-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố và kết quả khảo sát thăm dò ý kiến của hộ kinh doanh do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng thực hiện).
- Giải pháp thiết kế phương án đảm bảo tính khả thi, đáp ứng tối thiểu quy mô hiện trạng và đồng thời dự phòng cho phát triển trong tương lai.
- Giải pháp đáp ứng nhu cầu sử dụng của tiểu thương về sử dụng mặt bằng kinh doanh, đa dạng hóa các ngành hàng.
- Tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của khu vực, công trình có hình thức hiện đại tương xứng với quy mô chợ trung tâm cấp thành phố.
- Giải pháp thiết kế công trình cần tạo dựng được hình ảnh riêng đặc  trưng “thương hiệu Chợ Cồn”, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ.
- Ranh giới nghiên cứu tổng thể phương án trên phạm vi ranh giới khu đất, đồng thời có tính đến khả năng kết nối với các công trình lân cận và khu phố chợ xung quanh.

4. Các yêu cầu cụ thể của phương án:
4.1. Giải pháp quy hoạch:
- Tổng mặt bằng theo quy hoạch được duyệt: 24.504m2
- Ranh giới nghiên cứu thiết kế: 24.504m2, bao gồm:
- Khu vực được quy hoạch dành cho hoạt động chợ bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác), sân vườn và đường nội bộ của chợ.
- Khu vực đất ở giữ lại chỉnh trang: 693m2.
- Ranh giới mềm: Khu vực xung quanh chợ, các phố chuyên doanh xung quanh chợ.
- Yêu cầu giải pháp thiết kế tổng mặt bằng:
+ Thể hiện mối liên hệ cơ cấu chức năng, phù hợp với cảnh quan khu vực, giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa bên trong và bên ngoài phạm vi chợ.
+ Đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện tại và tương lai về diện tích chiếm đất của các hạng mục như: diện tích xây dựng nhà chợ chính (và các hạng mục công trình có mái khác), diện tích mua bán ngoài trời, diện tích đường giao thông nội bộ và bãi để xe, diện tích sân vườn, cây xanh.
+ Tổ chức hoàn chỉnh lại mạng lưới giao thông xung quanh chợ, giải pháp phân luồng ra vào chợ để tránh ùn tắc giao thông (đường Hùng Vương và đường Ông Ích Khiêm), hướng ra vào bãi đỗ xe của các loại phương tiện, phương án tiếp cận, hướng lưu thông ra vào của các loại phương tiện. Lưu ý bố trí khu vực dừng xe của các loại phương tiện để tiếp cận giao thông của công trình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không sử dụng vỉa hè, lòng đường tại khu vực để đỗ xe phục vụ cho hoạt động của chợ.
+ Giải pháp chữa cháy phải bảo đảm đạt yêu cầu tiếp cận chữa cháy cho chợ.
+ Giải pháp tổ chức giao thông công cộng tiếp cận chợ.
+ Cần tính đến khả năng tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật.
+ Dự báo số lượng người khi công trình đưa vào khai thác để có giải pháp đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực như giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường…
+ Đảm bảo diện tích để xe cho khu vực chợ và dự phòng cho khu vực xung quanh.
Diện tích bãi để xe được tính theo số lượng phương tiện giao thông mang đến chợ, bao gồm của khách hàng và hộ kinh doanh. Số lượng phương tiện giao thông của khách hàng được tính từ 60 % đến 70% số lượng khách hàng đang có mặt ở chợ tại một thời điểm. Số lượng khách hàng tại một thời điểm được tính theo diện tích kinh doanh (kể cả diện tích kinh doanh tự do) với tiêu chuẩn 2,4 m2/khách hàng đến 2,8 m2/ khách hàng.
+ Giải pháp bố trí hợp lý các hạng mục công trình: nhà chợ chính và các hạng mục công trình có mái khác. Ưu tiên bố trí ở hướng hợp lý, đón gió mát, tránh nắng nóng trực tiếp, thuận lợi cho khách hàng tiếp cận từ mọi phía, đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho cảnh quan khu vực.
Nhà chợ chính có thể sử dụng giải pháp hợp khối, phân tán hay kết hợp tùy theo giải pháp thiết kế, tính chất kinh doanh, điều kiện mặt bằng, môi trường khí hậu, mức đầu tư và kế hoạch xây dựng…
+ Giải pháp bố trí không gian mua bán ngoài trời: phục vụ đối tượng kinh doanh không thường xuyên (kinh doanh tự do). Tùy theo trường hợp cụ thể để có giải pháp phù hợp là nên có mái che không có tường, có thể cố định hay di động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người buôn bán và khách hàng, trong trường hợp thời tiết bất thường.
Không gian mua bán ngoài trời đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan chung, tiện thu gom rác và dễ dàng quản lý, tránh ùn tắc lộn xộn ảnh hưởng mỹ quan đường phố.
+ Bố trí khu chợ đêm, ẩm thực đêm: bao gồm chợ đêm và khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách.
Chợ đêm: Hoạt động từ 19h00 đến 23h00, sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang…
Khu ẩm thực đêm: ẩm thực đêm tại mặt tiền chợ Cồn (vỉa hè đường Hùng Vương) là đặc sản của chợ. Đây là sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến và hình thành tự phát (khoảng trên 10 hộ) từ khi chợ mới được xây dựng lại. Hoạt động này cần được duy trì, nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách về ban đêm.
4.2. Giải pháp kiến trúc:
- Yêu cầu về quy mô chợ:
Quy mô giải pháp thiết kế chợ cần đáp ứng cho 2.011 hộ kinh doanh hiện trạng, có dự phòng cho khu vực lân cận và phát triển trong tương lai, đồng thời có giải pháp khai thác hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở tăng thêm diện tích sàn xây dựng.
- Quy mô diện tích đề xuất:  20.914,4m2
- Quy mô tầng cao đề xuất: Tối đa 08 tầng nổi và 02 tầng hầm, trong đó:
+ Khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có): tối đa 03 tầng (phù hợp với mô hình chợ truyền thống và đáp ứng nguyện vọng đại đa số tiểu thương).
+ Khu vực khai thác thương mại: tối đa 05 tầng.
+ Khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận: tối đa 02 tầng.
- Yêu cầu về các bộ phận chức năng của chợ:
Bao gồm: Ban quản lý chợ; bộ phận kinh doanh thường xuyên; bộ phận kinh doanh không thường xuyên; bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình.
+ Ban quản lý chợ: Phòng làm việc của Ban quản lý chợ, các phòng làm việc của nhân viên nghiệp vụ, phòng họp, phòng tiếp khách, phòng thông tin điều hành, phòng kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng quản lý chất lượng hàng hóa, phòng làm việc của tổ quản lý kỹ thuật, phòng y tế, phòng làm việc của đội bảo vệ, thường trực, phòng thuế vụ, công an…
+ Bộ phận kinh doanh thường xuyên:
 Bộ phận kinh doanh hàng hóa: Thực phẩm tươi sống; Đồ khô truyền thống; Công nghệ phẩm; Thủ công mỹ nghệ; Bông vải sợi - May mặc; Mỹ phẩm; Tạp hóa; Văn phòng phẩm; Văn hóa phẩm; Đồ gia dụng; Sành sứ; Kim khí hóa chất; Điện máy...
Bộ phận kinh doanh dịch vụ: Ăn uống giải khát; Trông giữ trẻ; Trông giữ đồ; Sửa chữa dụng cụ gia đình; Các khu vui chơi, giải trí; Dịch vụ tắm rửa, giặt là công cộng; Bốc xếp hàng hóa; Thông tin thương mại; Quảng cáo; Ngân hàng - tín dụng; Bưu chính viễn thông…
+ Bộ phận kinh doanh không thường xuyên.
- Yêu cầu về nhà chợ chính: Đề xuất giải pháp cụ thể cho các không gian của nhà chợ chính bao gồm:
+ Không gian các điểm kinh doanh (lô quầy) của chủ hàng: Tùy theo ngành hàng có giải pháp bố trí không gian và phân chia phù hợp.
+ Không gian giao thông mua hàng của khách: là không gian đi lại, đứng xem, chọn hàng, thử hàng, mua hàng của khách. Tùy theo mặt bằng cụ thể để tổ chức hệ thống giao thông cho khách thuận tiện đi lại, tiếp cận với các lô quầy.
+ Không gian làm việc của Ban quản lý chợ
+ Không gian kinh doanh dịch vụ
+ Không gian chức năng phụ trợ
+ Không gian chức năng kỹ thuật công trình.
- Yêu cầu về giải pháp thiết kế kết cấu và kiến trúc nhà chợ chính:
Đảm bảo tính bền vững, khả thi và hợp lý về không gian chợ truyền thống đảm bảo sự thông thoáng, an toàn pccc, vệ sinh môi trường.
- Yêu cầu về giải pháp PCCC:
Có giải pháp tổ chức giao thông và thiết kế hệ thống pccc đảm bảo an toàn cho công trình sử dụng.
- Yêu cầu về hệ thống thu gom rác thải:
Đề xuất giải pháp thu gom rác thải đảm bảo sự tiện lợi, vệ sinh môi trường.

5. Thông tin liên hệ đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi.
Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng.
Địa chỉ: số 107 Lê Sát, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0935.404.655 (gặp Hương) – 0905.134.470 (gặp Tài)
Thông tin cuộc thi theo địa chỉ website: http://tuvanxaydungdn.vn/cuoc-thi-cho-con/

 

Tác giả bài viết: Thanh Minh

 Tags: tương lai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn phòng:

107 Lê Sát, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại:

0236.3621925

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây