Tin tức

THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

BAN TỔ CHỨC - thông tin cuộc thi

THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

I. THÔNG TIN CUỘC THI:

  - Tên cuộc thi: Thi tuyển phương án kiến trúc Chợ Cồn.
  - Cơ quan quyết định đầu tư: UBND thành phố Đà Nẵng.
  - Chủ đầu tư: Sở Công thương.
  - Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
  - Tiền tệ sử dụng: Việt
Nam đồng (đồng).
  - Ngôn ngữ: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính.
  - Đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi: Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng thành phố Đà Nẵng.
  + Địa chỉ: Số 107 đường Lê Sát, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
  + Điện thoại: 0236.3.797.925
  + Website: http://tuvanxaydungdn.vn/cuoc-thi-cho-con/

II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Căn cứ kết luận 80-KL/TU ngày 07/11/2016 của BCH Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXI về Đề án “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến 2035”. Trong đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu đối với thương mại nội địa là: “Xúc tiến nghiên cứu, lựa chọn phương thức đầu tư và mô hình hoạt động khai thác, quản lý chợ Cồn trên cơ sở phát triển hợp lý chợ truyền thống”.
- Căn cứ Quyết định số: 2037/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 khu Trung tâm thương mại chợ Cồn và các khu vực lân cận.
- Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về Phát triển và quản lý chợ, Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 Bộ Khoa học và Công nghệ v/v Ban hành TCVN 9211: 2012, Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế.
- Căn cứ Quyết định số 8105/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của UBND thành phố v/v ban hành Đề án “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2035” và Kế hoạch số 623/KH-UBND ngày 23/01/2017 của UBND thành phố v/v kế hoạch triển khai thực hiện đề án nói trên.
- Căn cứ Thông báo số 334/TB-VP ngày 15/11/2016 của Văn phòng UBND thành phố về kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tại buổi làm việc với Sở Công Thương về tình hình hoạt động ngành năm 2016.
- Căn cứ Quyết định 263/QĐ-SCT ngày 29/8/2016 của Sở Công Thương về việc giao nhiệm vụ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án chợ Cồn.
- Căn cứ  Công văn số 732/VP-KT2 ngày 13/3/2017 của Văn phòng UBND thành phố thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh v/v tình hình triển khai kế hoạch thực hiện đề án Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trong lĩnh vực thương mại.
- Căn cứ Thông báo số 122/TB-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp nghe các Sở, ngành chức năng báo cáo xin chủ trương đầu tư và phương án kiến trúc, quy hoạch một số dự án, công trình trên địa bàn thành phố.

 

QUY CHẾ THI TUYỂN

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

III. QUY CHẾ THI TUYỂN
  1. Hình thức thi tuyển:
    Thi tuyển rộng rãi trong và ngoài nước.
  1. Mục đích:
-  Làm căn cứ để các tổ chức tư vấn thiết kế, các cá nhân có đủ điều kiện thiết kế phương án.
- Làm cơ sở để Ban Tổ chức và Hội đồng tuyển chọn lựa chọn phương án thi tuyển thiết kế.
  1. Yêu cầu của cuộc thi:
 - Các tổ chức, cá nhân dự thi tuyển phương án thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
 - Các đơn vị tham gia dự thi phải nhận thức đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong dự thi để lựa chọn các Kiến trúc sư, Kỹ sư chuyên ngành có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn cao nghiên cứu và đề xuất phương án thiết kế có chất lượng đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật quy định tại nhiệm vụ thiết kế.
- Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Việt Nam hiện hành và các tiêu chuẩn quốc tế được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
- Các đơn vị tham gia dự thi phải chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình dự thi.
- Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia dự thi yêu cầu phải có phiên dịch riêng.
  1.  Đối tượng và điều kiện dự thi:
- Tất cả các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức cuộc thi hoặc trong Hội đồng tuyển chọn, Tổ kỹ thuật giúp việc hay các đối tượng khác có liên quan đến công tác tổ chức cuộc thi) có đủ các điều kiện sau đây đều được quyền tham gia dự thi.
- Các tổ chức tư vấn thiết kế, công ty độc lập, liên danh, liên doanh hoặc cá nhân trong và ngoài nước có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam; có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Mỗi đơn vị tư vấn chỉ được tham gia vào một liên danh, biên bản liên danh phải quy định một đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính và phải được gửi đến Ban tổ chức cuộc thi. Mọi vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong liên doanh do các bên tự thỏa thuận, Ban tổ chức không chịu trách nhiệm.
  1. Thành phần  ban tổ chức, hội đồng thi tuyển:
- Ban Tổ chức cuộc thi: Gồm các thành viên là đại diện các Sở, ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Thương mại, Văn hóa, Du lịch.
- Hội đồng cố vấn chuyên môn và Hội đồng tuyển chọn: Gồm các thành viên là Lãnh đạo UBND thành phố, những chuyên gia và cán bộ quản lý trong các lĩnh vực: Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Văn hóa, Du lịch, Kinh tế do Ban Tổ chức cuộc thi tham mưu, đề xuất.
  1. Yêu cầu hồ sơ tham gia dự thi:
6.1. Đăng ký tham gia dự thi.
Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:
- Đơn đăng ký dự thi (Phụ lục 1).
- Hồ sơ năng lực (Phụ lục 2).
 Hồ sơ đăng ký dự thi nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ban Tổ chức.
 Căn cứ năng lực của các đơn vị đăng ký dự thi, Ban Tổ chức lựa chọn các đơn vị có năng lực đáp ứng yêu cầu, mời tham gia dự thi.
6.2. Nộp sản phẩm dự thi.
Các đơn vị được mời tham gia dự thi có 60 ngày để thực hiện phương án, không bao gồm thời gian khảo sát hiện trạng.
Sản phẩm dự thi được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban Tổ chức.
* Lưu ý: Trường hợp nộp theo đường bưu điện bắt buộc phải đến được Ban Tổ chức trước thời hạn quy định, không tính dấu bưu điện. Nếu không, sẽ bị loại và không hoàn trả.
Sản phẩm dự thi phải được niêm phong kín, bên ngoài chỉ ghi “Mã ẩn danh” của đơn vị, thành phần gồm:
  1. Hồ sơ thông tin đơn vị dự thi (Phụ lục 3).
  2. Phương án dự thi, bao gồm:
- 18 bộ thuyết minh khổ giấy A3 + 01 đĩa CD, thể hiện các nội dung:
    +Ý  tưởng thiết kế
    + Sự phù hợp với yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực.
    + Giải pháp thiết kế tổng mặt bằng.
    + Giải pháp thiết kế công năng công trình.
    + Giải pháp kỹ thuật, thi công công trình (nếu có).
    + Giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ
    + Khái toán kinh phí, đề xuất phương án khai thác hiệu quả kinh tế.
    + Tập bản vẽ thu nhỏ.
- 01 bộ bản vẽ trưng bày bồi trên bảng cứng khổ A1 + đĩa CD, thể hiện các nội dung:
    + Mặt bằng tổng thể (Tỉ lệ 1/500)
    + Mặt bằng công năng sử dụng (Tỉ lệ 1/200)
    + Mặt đứng 04 mặt công trình (Tỉ lệ 1/200)
    + Giải pháp bố trí nội thất các quầy chợ
    + Các phối cảnh công trình, phối cảnh nội thất.
    + Các bản vẽ khác (đơn vị dự thi đề xuất thêm để làm nổi bật ý tưởng).
- Mô hình phương án (nếu có).
- Video minh họa phương án (khuyến khích có)
6.3. Nguyên tắc ẩn danh.
Đơn vị dự thi tự chọn một “Mã ẩn danh” cho phương án, gồm 2 chữ cái và hai chữ số (ví dụ: AB12).
Phương án dự thi chỉ thể hiện mã ẩn danh, không được tiết lộ tên và các thông tin liên quan đến đơn vị dự thi.
Hồ sơ thông tin đơn vị dự thi được bảo quản và chỉ công bố khi Hội đồng tuyển chọn hoàn thành nhận xét đánh giá các phương án dự thi.
* Ghi chú: Ban Tổ chức không nhận hồ sơ có ghi tên đơn vị dự thi hoặc ký hiệu có thông tin liên quan đơn vị dự thi.
6.4. Bảo vệ phương án trước Hội đồng tuyển chọn.
Sau khi nộp sản phẩm dự thi, các đơn vị dự thi được thông báo thời điểm, địa điểm chính thức tiến hành bảo vệ phương án trước Hội đồng Tuyển chọn.
Mỗi đơn vị cử đại diện báo cáo, bảo vệ phương án theo hình thức trình chiếu, thuyết minh. Đơn vị dự thi chuẩn bị file và chiếu tại thời điểm báo cáo. Trường hợp báo cáo theo hình thức khác, đơn vị dự thi tự trang bị các phương tiện cần thiết.
Thời gian mỗi đơn vị báo cáo tối đa 30 phút, đơn vị nước ngoài có phiên dịch tối đa 35 phút.
6.5. Quy trình chấm chọn phương án.
Sau khi nghiên cứu các phương án dự thi và nghe các đơn vị trình bày, Hội đồng tuyển chọn phân tích, đánh giá, chấm chọn. Các phương án có số điểm cao nhất được xếp hạng theo cơ cấu giải thưởng.
Tiêu chí đánh giá phương án:
TT Chỉ tiêu đánh giá Điểm tối đa
1 Giải pháp quy hoạch 25
2 Giải pháp kiến trúc 45
3 Giải pháp kỹ thuật 15
4 Giải pháp kinh tế 10
5 Thuyết minh bảo vệ ph­ương án 5
  Tổng số điểm 100
Lưu ý: Nội dung các giải pháp thiết kế phải đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, giải pháp kinh tế bắt buộc phải có khái toán kinh phí xây dựng kèm theo và đề xuất phương án đầu tư, khai thác hiệu quả.
Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất cả các thành viên Hội đồng tuyển chọn ký xác nhận.
Các đơn vị tư vấn tham gia thi tuyển không có quyền yêu cầu giải trình về việc chấm điểm và xếp hạng các phương án dự thi.
- Công bố kết quả và trao giải.
Ban Tổ chức tổng hợp kết quả báo cáo cơ quan quyết định đầu tư và chủ đầu tư quyết định, công bố kết quả chính thức của cuộc thi. Trường hợp chủ đầu tư hoặc cơ quan quyết định đầu tư cần nghe chi tiết thì chỉ những phương án có thứ hạng cao mới được chọn báo cáo. Đơn vị tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để báo cáo khi có yêu cầu.
Lễ trao giải thưởng được tổ chức sau khi có kết quả được duyệt.
Cơ cấu giải thưởng.
          + 01 Giải nhất                : 400 triệu đồng.
          + 01 Giải nhì                  : 100 triệu đồng.
          + 01 Giải ba                   :   50 triệu đồng.
          + 01 Giải cộng đồng      :   30 triệu đồng.
          + Hỗ trợ 6 đội lọt vào top 10 cuộc thi (trừ các 04 đội đạt giải): 120 triệu đồng.
Giá trị giải thưởng nêu trên đã bao gồm các loại thuế mà bên nhận giải thưởng phải nộp theo quy định, được gửi đến các đơn vị sau khi chủ đầu tư phê duyệt kết quả cuộc thi và các đơn vị dự thi hoàn tất các thủ tục tài chính cần thiết.
  1. Quyền và trách nhiệm của đơn vị dự thi.
Thực hiện đúng theo quy chế này.
Trường hợp sao chép hoặc sử dụng lại một phần đồ án kiến trúc của các tác giả khác phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tác giả của đồ án đó.
Không sử dụng phương án đạt giải tại cuộc thi này vào bất kỳ cuộc thi nào khác.
Đơn vị có phương án xếp hạng cao sẽ được ưu tiên lựa chọn thương thảo, ký kết hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Nếu đơn vị được chọn không đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện.
Trường hợp không thương thảo được hoặc đơn vị có phương án xếp hạng cao từ chối thực hiện các bước thiết kế tiếp theo thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thiết kế phù hợp để thực hiện.
  1. Quyền và trách nhiệm của Ban tổ chức cuộc thi.
Tổ chức cuộc thi công khai minh bạch. Mọi yêu cầu phải được thông báo đến các đơn vị dự thi đầy đủ rõ ràng.
Bảo vệ thông tin của các đơn vị dự thi.
Sở hữu toàn bộ sản phẩm tham gia dự thi.
Thanh toán kinh phí giải thưởng cho các đơn vị dự thi theo quy định.
Yêu cầu đơn vị dự thi hoàn trả kinh phí giải thưởng nếu phát hiện đơn vị sử dụng phương án đạt giải cuộc thi này vào cuộc thi khác.
Lựa chọn một đơn vị đủ năng lực và phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo dựa trên ý tưởng và kết quả nghiên cứu của nhiều phương án trong cuộc thi này nhưng phải ghi rõ nguồn trong khi sử dụng.

NHIỆM VỤ THIẾT KẾ

CUỘC THI PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

NHIỆM VỤ THIẾT KẾ

1. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế áp dụng:
- Tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
- Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.
- Quy chuẩn QCXDVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
- Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD về công trình ngầm đô thị.
- Quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng – Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9211: 2012, Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế.
- Tiêu chuẩn thiết kế nước ngoài (nếu có) (tiêu chuẩn áp dụng cần đảm bảo sự đồng bộ, tuân thủ quy định áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong hoạt động xây dựng theo thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng).

2.  Yêu cầu thiết kế:
      2.1. Vị trí, đặc điểm khu đất, hiện trạng công trình:
a) Vị trí, đặc điểm khu đất:
Địa điểm: Số 290 đường Hùng Vương, Phường Vĩnh Trung, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
- Ranh giới phạm vi nghiên cứu:
+ Phía Bắc                   : Giáp K269 Ông Ích Khiêm
+ Phía Nam        : Giáp đường Hùng Vương
+ Phía Đông       : Giáp đường Phạm Ngũ Lão
+ Phía Tây                   : Giáp đường Ông Ích Khiêm.

* Vị trí chợ Cồn trên googlemap:  


* Vị trí chợ Cồn trong quy hoạch phân khu trung tâm:  

b) Hiện trạng công trình:
- Chợ Cồn được xây dựng trên diện tích 13.714m2, trong đó khu nhà số 1 nằm ở mặt tiền đường Hùng Vương, ở phía đường Ông Ích Khiêm là khối nhà 3 tầng, còn lại 9 khu nhà phía sau là nhà cấp 4.
+ Tổng diện tích đất chợ                   : 13.714m2.
+ Đất xây dựng công trình chợ         : 12.644m2, mật độ xây dựng: 92,2%.

+ Tổng diện tích xây dựng (Không kể diện tích làm văn phòng): 10.728m2.

+ Diện tích mặt bằng sử dụng để kinh doanh: 5.334,3m2. Chiếm tỷ lệ 49,7% diện tích xây dựng.

- Diện tích lô sạp được phân bố hiện tại trong khu chợ Cồn không đồng nhất với tổng diện tích bình quân 4,5m2; tuy nhiên cũng có những lô khá nhỏ chỉ từ 1,0m2 đến 1,5m2.
- Tình hình hoạt động kinh doanh (Số liệu năm 2019):
+ Tổng số hộ kinh doanh        : 2.011 hộ, trong đó: 1.711 Hộ cố định và khoảng 300 Hộ không cố định.    
+ Tổng thu phí chợ, dịch vụ và sự nghiệp khác dự kiến: 18.700 tỷ đồng.
* Đánh giá chung về hiện trạng chợ Cồn:
- Chợ Cồn được xây dựng nhân kỷ niệm 10 năm Giải phóng Đà Nẵng (29/3/1985), đến nay đã hơn 30 năm nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ, hệ thống PCCC chắp vá, vệ sinh môi trường tại chợ xuống cấp, không còn phù hợp và không đảm bảo hoạt động chợ. Quy hoạch ngành hàng không thống nhất, phân tán gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường, xây dựng chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại.
- Mật độ xây dựng công trình chợ quá lớn (chiếm 92%), thiếu diện tích đỗ xe và các dịch vụ phụ trợ khác, khu vực chợ thường xuyên ùn tắc về giao thông do thiếu bãi đỗ xe và do việc tổ chức giao thông tiếp cận chưa hợp lý.
- Hiện trạng mặt bằng bố trí kinh doanh có diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của các hộ kinh doanh cần có nhu cầu sử dụng mặt bằng kinh doanh đặc biệt các ngành hàng cồng kềnh, hàng có giá trị cao lớn (Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng về kết quả khảo sát thăm dò ý kiến của hộ kinh doanh).
* Hiện trạng chợ Cồn trên googlemap:  

* Hiện trạng chợ Cồn:  


2.2. Yêu cầu thiết kế:
- Xác định loại hình chợ là chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố (Theo chủ trương của UBND thành phố tại Thông báo số 122/TB-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố và kết quả khảo sát thăm dò ý kiến của hộ kinh doanh do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng thực hiện).
- Giải pháp thiết kế phương án đảm bảo tính khả thi, đáp ứng tối thiểu quy mô hiện trạng và đồng thời dự phòng cho phát triển trong tương lai.
- Giải pháp đáp ứng nhu cầu sử dụng của tiểu thương về sử dụng mặt bằng kinh doanh, đa dạng hóa các ngành hàng.
- Tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của khu vực, công trình có hình thức hiện đại tương xứng với quy mô chợ trung tâm cấp thành phố.
- Giải pháp thiết kế công trình cần tạo dựng được hình ảnh riêng đặc  trưng “thương hiệu Chợ Cồn”, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ.
- Ranh giới nghiên cứu tổng thể phương án trên phạm vi ranh giới khu đất, đồng thời có tính đến khả năng kết nối với các công trình lân cận và khu phố chợ xung quanh.
3. Các yêu cầu cụ thể của phương án:
3.1. Giải pháp quy hoạch:
- Tổng mặt bằng theo quy hoạch được duyệt
Theo Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 UBND thành phố Đà Nẵng v/v phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 Khu Trung tâm thương mại Chợ Cồn và các khu vực lân cận, với cân đối sử dụng đất như sau:

 
 
STT THÀNH PHẦN SỬ DỤNG ĐẤT KÝ HIỆU DIỆN TÍCH (m2) TỶ LỆ (%)
1 Trung tâm thương mại Chợ Cồn A2 16.681 68,07
  Đất xây dựng công trình   6.902  
  Đất cây xanh   6.118  
  Đất giao thông nội bộ, sân bãi   3.661  
2 Đất ở B2-1 0  
3 Đất giữ lại chỉnh trang B1 693 2,83
4 Đất giao thông – mương kỹ thuật   7.130 29,10
  TỔNG   24.504 100,00
Theo Quyết định phê duyệt, đất xây dựng công trình chợ là 6.902m2, mật độ xây dựng chiếm 41,37% (6.902m2/16.681m2).
* Lưu ý: Giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng có thể tham khảo quy hoạch đã được phê duyệt điều chỉnh hoặc đề xuất giải pháp mới, tuy nhiên mật độ xây dựng đối với khu vực đô thị chỉnh trang không quá 60% (QCVN 01:2008/BXD).
- Ranh giới nghiên cứu thiết kế:
+ Ranh giới cứng: Theo ranh giới quy hoạch điều chỉnh theo Quyết định số 2307/QĐ-UBND có diện tích 24.504m2, bao gồm:
Khu vực được quy hoạch dành cho hoạt động chợ bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác), sân vườn và đường nội bộ của chợ.
Khu vực đất ở giữ lại chỉnh trang ký hiệu B1 có diện tích 693m2.
+ Ranh giới mềm: Khu vực xung quanh chợ, các phố chuyên doanh xung quanh chợ.
- Yêu cầu giải pháp thiết kế tổng mặt bằng:
+ Thể hiện mối liên hệ cơ cấu chức năng, phù hợp với cảnh quan khu vực, giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa bên trong và bên ngoài phạm vi chợ.
+ Đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện tại và tương lai về diện tích chiếm đất của các hạng mục như: diện tích xây dựng nhà chợ chính (và các hạng mục công trình có mái khác), diện tích mua bán ngoài trời, diện tích đường giao thông nội bộ và bãi để xe, diện tích sân vườn, cây xanh.
+ Tổ chức hoàn chỉnh lại mạng lưới giao thông xung quanh chợ, giải pháp phân luồng ra vào chợ để tránh ùn tắc giao thông (đường Hùng Vương và đường Ông Ích Khiêm), hướng ra vào bãi đỗ xe của các loại phương tiện, phương án tiếp cận, hướng lưu thông ra vào của các loại phương tiện. Lưu ý bố trí khu vực dừng xe của các loại phương tiện để tiếp cận giao thông của công trình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không sử dụng vỉa hè, lòng đường tại khu vực để đỗ xe phục vụ cho hoạt động của chợ.
+ Giải pháp chữa cháy phải bảo đảm đạt yêu cầu tiếp cận chữa cháy cho chợ.
+ Giải pháp tổ chức giao thông công cộng tiếp cận chợ.
+ Cần tính đến khả năng tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật.
+ Dự báo số lượng người khi công trình đưa vào khai thác để có giải pháp đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực như giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường…
+ Đảm bảo diện tích để xe cho khu vực chợ và dự phòng cho khu vực xung quanh.
Diện tích bãi để xe được tính theo số lượng phương tiện giao thông mang đến chợ, bao gồm của khách hàng và hộ kinh doanh. Số lượng phương tiện giao thông của khách hàng được tính từ 60 % đến 70% số lượng khách hàng đang có mặt ở chợ tại một thời điểm. Số lượng khách hàng tại một thời điểm được tính theo diện tích kinh doanh (kể cả diện tích kinh doanh tự do) với tiêu chuẩn 2,4 m2/khách hàng đến 2,8 m2/ khách hàng.
+ Giải pháp bố trí hợp lý các hạng mục công trình: nhà chợ chính và các hạng mục công trình có mái khác. Ưu tiên bố trí ở hướng hợp lý, đón gió mát, tránh nắng nóng trực tiếp, thuận lợi cho khách hàng tiếp cận từ mọi phía, đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho cảnh quan khu vực.
Nhà chợ chính có thể sử dụng giải pháp hợp khối, phân tán hay kết hợp tùy theo giải pháp thiết kế, tính chất kinh doanh, điều kiện mặt bằng, môi trường khí hậu, mức đầu tư và kế hoạch xây dựng…
+ Giải pháp bố trí không gian mua bán ngoài trời: phục vụ đối tượng kinh doanh không thường xuyên (kinh doanh tự do). Tùy theo trường hợp cụ thể để có giải pháp phù hợp là nên có mái che không có tường, có thể cố định hay di động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người buôn bán và khách hàng, trong trường hợp thời tiết bất thường.
Không gian mua bán ngoài trời đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan chung, tiện thu gom rác và dễ dàng quản lý, tránh ùn tắc lộn xộn ảnh hưởng mỹ quan đường phố.
+ Bố trí khu chợ đêm, ẩm thực đêm: bao gồm chợ đêm và khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách.
Chợ đêm: Hoạt động từ 19h00 đến 23h00, sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang…
Khu ẩm thực đêm: ẩm thực đêm tại mặt tiền chợ Cồn (vỉa hè đường Hùng Vương) là đặc sản của chợ. Đây là sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến và hình thành tự phát (khoảng trên 10 hộ) từ khi chợ mới được xây dựng lại. Hoạt động này cần được duy trì, nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách về ban đêm.
*Lưu ý: Tỷ lệ diện tích đất xây dựng các hạng mục trong chợ tuân thủ theo tiêu chuẩn (mục 6.4.4, TCVN 9211: 2012, Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế):
Hạng mục công trình Tỷ lệ (%)
1. Diện tích xây dựng nhà chợ chính (và các hạng mục công trình có mái khác), nhỏ hơn 40
2. Diện tích mua bán ngoài trời, lớn hơn 25
3. Diện tích đường giao thông nội bộ và bãi xe, lớn hơn 25
4. Diện tích sân vườn, cây xanh, không nhỏ hơn 10
  3.2. Giải pháp kiến trúc:
- Yêu cầu về quy mô chợ:
Quy mô giải pháp thiết kế chợ cần đáp ứng cho 2.011 hộ kinh doanh hiện trạng, có dự phòng cho khu vực lân cận và phát triển trong tương lai, đồng thời có giải pháp khai thác hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở tăng thêm diện tích sàn xây dựng.
Quy mô diện tích đề xuất:
+ Chỉ tiêu sử dụng đất cho 1 điểm kinh doanh (ĐKD) đối với chợ quy mô trên 2.000 hộ kinh doanh là 12m2 đất/ĐKD (mục 6.2.1, TCVN 9211: 2012, Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế).
+ Tổng diện tích sàn xây dựng cần có để bố trí 2.011 hộ kinh doanh (tính 4m2/ĐKD) hiện có là: 2.011 x 4 + (50% + 50%) x 2.011 x 4 = 16.088m2.
Trong đó:
50% là quy định tối thiểu diện tích giao thông mua hàng của khách trong tổng diện tích sàn xây dựng (mục 7.3.4, TCVN 9211: 2012, Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế).
50% còn lại là diện tích cho các không gian khác như văn phòng làm việc của BQL chợ; không gian kinh doanh dịch vụ như cửa hàng ăn uống – giải khát, trông giữ trẻ, trông giữ đồ, sửa chữa dụng cụ gia đình, vui chơi giải trí, bộ phận cung cấp thông tin thương mại, tín dụng – ngân hàng, dịch vụ bưu chính viễn thông và các loại dịch vụ khác; không gian chức năng phụ trợ; không gian chức năng kỹ thuật.
+ Tổng diện tích sàn xây dựng đề xuất là:
∑DTXD = 16.088 + 16.088 x 30% = 20.914,4m2
Trong đó: 30% là dự phòng.
Quy mô tầng cao đề xuất: Tối đa 08 tầng nổi và 02 tầng hầm, trong đó:
+ Khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có): tối đa 03 tầng (phù hợp với mô hình chợ truyền thống và đáp ứng nguyện vọng đại đa số tiểu thương).
+ Khu vực khai thác thương mại: tối đa 05 tầng.
+ Khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận: tối đa 02 tầng.
- Yêu cầu về các bộ phận chức năng của chợ:
Bao gồm: Ban quản lý chợ; bộ phận kinh doanh thường xuyên; bộ phận kinh doanh không thường xuyên; bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình.
+ Ban quản lý chợ: Phòng làm việc của Ban quản lý chợ, các phòng làm việc của nhân viên nghiệp vụ, phòng họp, phòng tiếp khách, phòng thông tin điều hành, phòng kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng quản lý chất lượng hàng hóa, phòng làm việc của tổ quản lý kỹ thuật, phòng y tế, phòng làm việc của đội bảo vệ, thường trực, phòng thuế vụ, công an…
+ Bộ phận kinh doanh thường xuyên:
 Bộ phận kinh doanh hàng hóa: Thực phẩm tươi sống; Đồ khô truyền thống; Công nghệ phẩm; Thủ công mỹ nghệ; Bông vải sợi - May mặc; Mỹ phẩm; Tạp hóa; Văn phòng phẩm; Văn hóa phẩm; Đồ gia dụng; Sành sứ; Kim khí hóa chất; Điện máy...
Bộ phận kinh doanh dịch vụ: Ăn uống giải khát; Trông giữ trẻ; Trông giữ đồ; Sửa chữa dụng cụ gia đình; Các khu vui chơi, giải trí; Dịch vụ tắm rửa, giặt là công cộng; Bốc xếp hàng hóa; Thông tin thương mại; Quảng cáo; Ngân hàng - tín dụng; Bưu chính viễn thông…
+ Bộ phận kinh doanh không thường xuyên.
- Yêu cầu về nhà chợ chính: Đề xuất giải pháp cụ thể cho các không gian của nhà chợ chính bao gồm:
+ Không gian các điểm kinh doanh (lô quầy) của chủ hàng: Tùy theo ngành hàng có giải pháp bố trí không gian và phân chia phù hợp.
+ Không gian giao thông mua hàng của khách: là không gian đi lại, đứng xem, chọn hàng, thử hàng, mua hàng của khách. Tùy theo mặt bằng cụ thể để tổ chức hệ thống giao thông cho khách thuận tiện đi lại, tiếp cận với các lô quầy.
+ Không gian làm việc của Ban quản lý chợ
+ Không gian kinh doanh dịch vụ
+ Không gian chức năng phụ trợ
+ Không gian chức năng kỹ thuật công trình.
- Yêu cầu về giải pháp thiết kế kết cấu và kiến trúc nhà chợ chính:
Đảm bảo tính bền vững, khả thi và hợp lý về không gian chợ truyền thống đảm bảo sự thông thoáng, an toàn pccc, vệ sinh môi trường.
- Yêu cầu về giải pháp PCCC:
Có giải pháp tổ chức giao thông và thiết kế hệ thống pccc đảm bảo an toàn cho công trình sử dụng.
- Yêu cầu về hệ thống thu gom rác thải:
Đề xuất giải pháp thu gom rác thải đảm bảo sự tiện lợi, vệ sinh môi trường.
4. Kỹ thuật công trình:
          - Các hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị công trình (điện, thông tin liên lạc, an ninh, thang máy, điều hoà không khí, cấp thoát nước, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…) đảm bảo đồng bộ, tiên tiến, an toàn cao, phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành.
- Sử dụng công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng phù hợp để giảm giá thành đầu tư.
          - Kết cấu hiện đại, an toàn, bền vững, chống động đất, bảo đảm tính khả thi.
          - Có giải pháp tiết kiệm năng lượng; chiếu sáng, thông gió tự nhiên; hạn chế tối đa sử dụng điều hòa không khí.
5. Về phương án đầu tư:
          - Kinh phí đầu tư xây dựng tiết kiệm phù hợp với điều kiện địa phương, vận hành duy tu phù hợp, tiết kiệm.
- Đề xuất phương án đầu tư và khai thác hiệu quả hoạt động để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư:.
6. Các yêu cầu khác.
          - Phù hợp với đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên của địa phương
          - Đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, đặc điểm của vùng miền địa phương
- Có thể đề xuất thêm nội dung khác nhằm đáp ứng cao nhất các yêu cầu sử dụng đối với công trình.
- Có khả năng mở rộng trong tương lai.

Kế hoạch thi tuyển

CUỘC THI PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

STT NỘI DUNG THỜI GIAN
Công tác chuẩn bị cuộc thi  
1 - Thành lập Ban Tổ chức; Hội đồng tuyển chọn, Tư vấn tổ chức cuộc thi.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi.
15/10/2019 – 30/10/2019
2 - Thu thập tài liệu, tổng hợp và hoàn tất các hồ sơ pháp lý có liên quan đến cuộc thi.
- Xây dựng Nhiệm vụ thi tuyển.
- Xây dựng Quy chế thi tuyển.
- Lập dự toán kinh phí thi tuyển.
- Khởi động website cuộc thi.
20/10/2019 – 15/11/2019
3 Tổ chức lấy ý kiến các sở, ban ngành, cơ quan liên quan các nội dung về nhiệm vụ, quy chế thi tuyển…để làm cơ sở triển khai cuộc thi. 15/11/2019 – 10/12/2019 
4 Hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt các nội dung mục 2 10/12/2019 – 30/12/2019
5 Công bố thông tin cuộc thi 30/12/2019
6 Tiếp nhận các đơn vị đăng ký dự thi 30/12/2019 – 10/01/2020
7 Xét chọn và mời các đơn vị đủ năng lực tham dự cuộc thi (Ban Tổ chức) 10/01/2020 – 13/01/2020
8 Các đơn vị khảo sát hiện trạng khu đất 13/01/2020 – 15/01/2020
9 Các đơn vị dự thi thực hiện bài thi 15/01/2020 – 10/03/2020
10 Tiếp nhận bài dự thi 10/3/2020 – 13/3/2020
Chấm chọn phương án và công bố, trao giải  
11 Sơ khảo các bài dự thi 14/3/2020 – 16/3/2020
12 Triển lãm các bài dự thi 16/3/2020 – 23/3/2020
13 Các đơn vị dự thi bảo vệ phương án 23/3/2020 – 27/3/2020
14 Hội đồng tuyển chọn chấm chọn.
15 Trình UBND thành phố ra Quyết định công nhận kết quả cuộc thi 27/03/2020 – 10/4/2020
16 Công bố, trao giải 11/4/2020 – 15/4/2020

LIÊN HỆ

CUỘC THI CHỢ CỒN ĐÀ NẴNG

Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng.
Số 107 Lê Sát, phường Hòa Cường
Nam, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0935.404.655 (gặp Hương) – 0905.134.470 (gặp Tài)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây