Khảo sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật

Hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng. Trong đó, khảo sát xây dựng là một trong các hoạt động xây dựng, diễn ra trong giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng.
Căn cứ tại Điều 25, Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 15/2021/NĐ-CP), trình tự thực hiện khảo sát xây dựng gồm 04 bước: lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, thực hiện khảo sát xây dựng và nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng. Trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày các quy định cụ thể về nhiệm vụ khảo sát xây dựng và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.

1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng
Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng là bước đầu tiên trong trình tự thực hiện khảo sát xây dựng. Điều 26, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về nhiệm vụ khảo sát xây dựng như sau:
a. Mục đích của nhiệm vụ khảo sát
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được lập cho công tác khảo sát phục vụ việc lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình hoặc phục vụ các công tác khảo sát khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.
b. Chủ thể lập nhiệm vụ khảo sát
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế lập.
Trường hợp chưa lựa chọn được nhà thầu thiết kế hoặc trong các trường hợp khảo sát khác, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền lập dự án PPP được thuê tổ chức, cá nhân hoặc giao tổ chức, cá nhân trực thuộc có đủ điều kiện năng lực lập, thẩm tra nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư giao cho nhà thầu khảo sát xây dựng thông qua việc trực tiếp ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng hoặc giao cho nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu tư vấn thiết kế thực hiện cả công tác khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng.
c. Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng
Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm: Mục đích khảo sát xây dựng; phạm vi khảo sát xây dựng; yêu cầu về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng; sơ bộ khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng, dự toán khảo sát xây dựng (nếu có); thời gian thực hiện khảo sát xây dựng.
d. Các trường hợp sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:
+ Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng, phát hiện các yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc khi có thay đổi nhiệm vụ thiết kế cần phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
+ Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế;
+ Trong quá trình thi công, phát hiện các yếu tố địa chất khác thường, không đáp ứng được nhiệm vụ khảo sát đã được chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế phê duyệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.
đ. Yêu cầu khi lập nhiệm vụ khảo sát ở bước thiết kế xây dựng
Khi lập nhiệm vụ khảo sát ở bước thiết kế xây dựng sau thì phải xem xét nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế xây dựng trước và các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).

2. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng
Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng là bước tiếp theo sau bước lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng trong trình tự khảo sát xây dựng. Điều 27, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định cụ thể, chi tiết hơn về phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng , cụ thể như sau:
a. Chủ thể lập và nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng
- Nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
- Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng bao gồm: cơ sở lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; thành phần, khối lượng công tác khảo sát xây dựng; phương pháp, thiết bị khảo sát và phòng thí nghiệm được sử dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng áp dụng; tổ chức thực hiện và biện pháp kiểm soát chất lượng của nhà thầu khảo sát xây dựng; tiến độ thực hiện; biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát; biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát và phục hồi hiện trạng sau khi kết thúc khảo sát.
b. Trách nhiệm của Chủ đầu tư
Khoản 9, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014 quy định chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong quá trình lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, Chủ đầu tư có trách nhiệm phải kiểm tra hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng theo quy định của hợp đồng.

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN KỸ THUẬT XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
- Giám đốc Trung tâm: Thạc sĩ TRẦN VĂN NAM 
- Trưởng phòng tư vấn Khảo sát và Kiểm định - Ths Trần Quốc Thịnh (0917.986.968)
- Địa chỉ: 107 đường Lê Sát, Phường Hoà Cường Nam, Quận Hải Châu, Đà Nẵng
- Điện thoại: 0236.3621.927 - 0236.3797.925
- Email: tttvktxd@danang.gov.vn
- Website: http://tuvanxaydungdn.vn

Tác giả bài viết: Thanh Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn phòng:

107 Lê Sát, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại:

0236.3621925

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây