Theo đó, yêu cầu thiết kế xác định loại hình của chợ Cồn là chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của TP Đà Nẵng (Theo chủ trương tại Thông báo số 122/TB-UBND ngày 25/9/2019 của UBND TP và kết quả khảo sát thăm dò ý kiến của hộ kinh doanh do Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng thực hiện).
Giải pháp thiết kế phương án đảm bảo tính khả thi, đáp ứng tối thiểu quy mô hiện trạng và dự phòng cho phát triển trong tương lai; đáp ứng nhu cầu sử dụng của tiểu thương về sử dụng mặt bằng kinh doanh, đa dạng hóa các ngành hàng. Đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của khu vực, công trình có hình thức hiện đại tương xứng với quy mô chợ trung tâm cấp TP.
Giải pháp thiết kế công trình cần tạo dựng được hình ảnh riêng đặc trưng “thương hiệu Chợ Cồn”, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ. Ranh giới nghiên cứu tổng thể phương án trên phạm vi ranh giới khu đất, đồng thời có tính đến khả năng kết nối với các công trình lân cận và khu phố chợ xung quanh.
Tổng mặt bằng theo quy hoạch chợ Cồn được duyệt là 24.504m2; ranh giới nghiên cứu thiết kế 24.504m2. Quy mô giải pháp thiết kế chợ cần đáp ứng cho 2.011 hộ kinh doanh hiện trạng, có dự phòng cho khu vực lân cận và phát triển trong tương lai; đồng thời có giải pháp khai thác hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở tăng thêm diện tích sàn xây dựng.
Quy mô diện tích đề xuất 20.914,4m2. Quy mô tầng cao đề xuất tối đa 8 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó: + Khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có) tối đa 3 tầng (phù hợp với mô hình chợ truyền thống và đáp ứng nguyện vọng đại đa số tiểu thương) + Khu vực khai thác thương mại tối đa 5 tầng + Khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận tối đa 2 tầng.
Đảm bảo diện tích để xe cho khu vực chợ Cồn và dự phòng cho khu vực xung quanh. Diện tích bãi để xe được tính theo số lượng phương tiện giao thông mang đến chợ, bao gồm của khách hàng và hộ kinh doanh. Số lượng phương tiện giao thông của khách hàng được tính từ 60% đến 70% số lượng khách hàng đang có mặt ở chợ Cồn tại một thời điểm. Số lượng khách hàng tại một thời điểm được tính theo diện tích kinh doanh (kể cả diện tích kinh doanh tự do) với tiêu chuẩn 2,4 m2/khách hàng đến 2,8 m2/ khách hàng.
Tổ chức hoàn chỉnh lại mạng lưới giao thông xung quanh chợ Cồn, giải pháp phân luồng ra vào chợ để tránh ùn tắc giao thông (đường Hùng Vương và đường Ông Ích Khiêm), hướng ra vào bãi đỗ xe của các loại phương tiện, phương án tiếp cận, hướng lưu thông ra vào của các loại phương tiện. Lưu ý bố trí khu vực dừng xe của các loại phương tiện để tiếp cận giao thông của công trình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không sử dụng vỉa hè, lòng đường tại khu vực để đỗ xe phục vụ cho hoạt động của chợ.
Bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách. Chợ đêm hoạt động từ 19h00' đến 23h00', sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang… Khu ẩm thực đêm tại mặt tiền chợ Cồn (vỉa hè đường Hùng Vương) là đặc sản của chợ. Đây là sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến và hình thành tự phát (khoảng trên 10 hộ) từ khi chợ mới được xây dựng lại. Hoạt động này cần được duy trì, nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách về ban đêm.
Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng TP Đà Nẵng được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao làm đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi: 30/12/2019 – 10/1/2020. Thời gian thực hiện bài thi: từ ngày 15/1/2020 – 10/3/2020.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 Giải Nhất: 400 triệu đồng; 1 Giải Nhì: 100 triệu đồng; 1 Giải Ba: 50 triệu đồng; 1 Giải cộng đồng: 30 triệu đồng; Hỗ trợ 6 đội lọt vào vòng trong (trừ các 4 đội đạt giải): 120 triệu đồng.
Cùng ngày, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết sẽ khởi công xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước trong quý 3/2020; do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng là đơn vị điều hành dự án. Chợ đầu mối Hòa Phước được xây dựng trên tổng diện tích 309.299m2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), nằm sát trục QL1A, có vị trí giao thương thuận lợi.
Tổng mức đầu tư cho công trình là 817 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư gần 122 tỷ đồng để giải tỏa đền bù; phần còn lại, đầu tư xây dựng hạ tầng sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), hợp đồng BOT thời gian khai thác là 40 năm. Chợ Hòa Phước được xác định sẽ trở thành chợ đầu mối nông sản của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, là nơi trung chuyển, cân đối hàng hóa của hai đầu Bắc - Nam.
Chợ có đầy đủ các tiện ích, hạng mục công trình gồm các nhà lồng, khu giao dịch; khu vực logistics như bãi đỗ xe container, xe tải, khu chờ xe; khu vực kho hàng gồm kho hàng khô, kho bảo quản hàng hóa tươi sống, kho lạnh, kho mát; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu vực văn phòng Ban quản lý chợ và văn phòng của các đơn vị, trạm kiểm định an toàn thực phẩm…
Tác giả bài viết: HẢI CHÂU
Nguồn tin: baomoi.com
Ý kiến bạn đọc
Văn phòng:
107 Lê Sát, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng
Điện thoại:
0236.3621925